Trước các phiên chất vấn các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ, VOV online ghi lại ý kiến của một số đại biểu về cách đặt vấn đề, chất vấn các Bộ trưởng.

dai-bieu-qh-trao-doi-hanh-l.jpg
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang

Đại biểu Trương Thị Ánh (đoàn TP HCM) cho rằng, khi chất vấn phải nhìn nhận rõ các yếu tố khách quan và chủ quan. “Về khách quan thì tôi không bàn tới nhưng phải xem lại các yếu tố chủ quan của chính mình”. Theo đại biểu Ánh, các yếu tố chủ quan có thể là do cơ chế, chính sách; công tác kiểm tra, giám sát có được thực hiện thường xuyên hay không; công tác giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức việc đó như thế nào?

Đại biểu Ánh lấy ví dụ, vấn đề giao thông có một thời gian Chính phủ chỉ đạo rất tập trung, số vụ tai nạn, số người chết có lúc đã giảm nhưng gần đây lại nổi lên thì phải phân tích, đánh giá khách quan để từ đó có giải pháp thiết thực. Người dân rất quan tâm vấn đề này, đa số liên quan đến chuyện các xe tải, xe vận chuyển hành khách… cứ va chạm là gây chết người, ảnh hưởng đến biết bao gia đình. Phải phân định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan khi chất vấn các Bộ trưởng là ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Phòng): “Chúng ta phải có cái nhìn khách quan, toàn diện về trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng. Bởi thực tế, có những vấn đề dài hơi, chiến lược cần phải có thời gian. Thậm chí có những vấn đề tích tụ từ nhiều năm trước thì chúng ta không thể đòi hỏi một sớm, một chiều, thậm chí là 6 tháng hay 1 năm Bộ trưởng có thể giải quyết được ngay”.

Với vấn đề nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản là vấn đề đặt ra nhiều năm nay nhưng có căn nguyên từ thị trường. Thị trường vận động ngoài ý muốn, Nhà nước chỉ có thể uốn nắn thị trường để làm sao phục vụ tốt hơn cho kinh tế-xã hội. Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào thị trường. Nếu có chất vấn thì Bộ trưởng cũng chỉ có thể trả lời được trong tầm kiểm soát cho phép của mình. Chúng ta phải chia sẻ với gánh nặng của mỗi Bộ, với những khó khăn họ đang gánh vác. Hoặc với Bộ Giao thông-Vận tải, hệ thống giao thông chỗ nào cũng có nhu cầu phải xây, phải làm mới để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân thành phố và vùng hẻo lánh. “Nhưng tiền đâu ra? Nợ công của chúng ta bây giờ đã đến mức báo động. Đây là một bài toán đau đầu. Chẳng lẽ bằng một phép thần nào đó mà bằng chức Bộ trưởng có thể xoay chuyển được. Vì thế cần sự chia sẻ của xã hội” – Đại biểu Vân khẳng định.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc các Bộ trưởng với tư cách là Tư lệnh các ngành thấy được trong quản lý của mình có những bất cập gì, ví dụ như việc ban hành chính sách “trên trời”, không trả lời được bài toán thực tiễn đặt ra thì đó là trách nhiệm, năng lực, tầm nhìn của Bộ trưởng. Hay bộ máy nhũng nhiễu thì trách nhiệm của Bộ trưởng phải xem lại, xử lý. Còn những khó khăn khách quan thì không thể bắt bẻ họ được.   

Trong phiên làm việc chiều nay (12/6), Quốc hội dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Về nội dung này, đại biểu Trương Thị Ánh cho biết: Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng có chính sách như thu mua lúa gạo, giải quyết kho dự trữ… Nhưng chúng ta cũng cần xem xét lại các quá trình này đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa, có kịp thời hay không… Hay một số chủ trương khuyến khích công nghiệp phụ trợ phát triển cho nông nghiệp, vừa qua làm đến đâu? Tại sao ngành chăn nuôi đầu vào vẫn tiếp tục lệ thuộc nước ngoài… phải xem lại để có việc làm trước mắt và lâu dài.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phải có cách chính sách hỗ trợ, định hướng thị trường, hướng dẫn kỹ thuật; chế biến nông sản. Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp thì Bộ trưởng có chính sách gì và hứa hẹn với nông dân sẽ ban hành chính sách gì để hỗ trợ nông dân.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp mà còn cả Bộ Công Thương nữa, đó là tìm lối ra cho nông sản, dẫn dắt, thông tin về thị trường như thế nào để định hướng cho nông dân yên tâm sản xuất, quan trọng là không bị tiểu thương ép giá. “Rõ ràng đây là những vấn đề lớn thể hiện thái độ, sự quan tâm của Nhà nước đối với lực lượng không nhỏ trong xã hội là nông dân. Đây là vấn đề tuy muôn thủa nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay lại rất thời sự” – đại biểu Vân nói.

Trước đó, các Bộ trưởng đã có báo cáo khá đầy đủ về thực hiện chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, mỗi Bộ cũng nêu những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện những yêu cầu, đòi hỏi của đại biểu Quốc hội và cả những lời hứa mà Bộ trưởng đã cam kết trước Quốc hội.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, nhìn chung, các Bộ đã nỗ lực, cố gắng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trong điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, những vấn đề thuộc về thể chế, bộ máy, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Một số đại biểu cho rằng, trong ban hành chính sách của chúng ta hiện nay có vấn đề, nhiều văn bản qui phạm pháp luật ban hành nhưng không được sự đồng thuận của dư luận./.