Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến vào Luật Tố cáo sửa đổi. Sau khi tổng hợp tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo đã chỉnh lý nhiều nội dung lớn để hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới. Một trong những vấn đề tiếp tục được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm đó là nên xử lý các đơn tố cáo nặc danh như thế nào.

Về nguyên tắc, đơn mạo danh thì không xử lý

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy Ban pháp luật Quốc hội, Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo; thời hiệu tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo; mở rộng hình thức tố cáo qua fax, điện thoại và thư điện tử …  Đối với vấn đề tố cáo nặc danh, Dự thảo luật không quy định giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Nhưng trong mục tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo, Dự thảo luật quy định: trường hợp thông tin tố cáo không đủ điều kiện thụ lý nhưng có nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

nguyen_khac_dinh_vfuf_wmgw.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Về vấn đề này, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Về nguyên tắc, đơn mạo danh thì không xử lý nhưng với đơn mạo danh, nặc danh có hồ sơ, chứng cứ tương đối rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà trong các tài liệu đó có nêu, giống như các thông tin phản ánh về vi phạm”

Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không.

Theo ông Lê Xuân Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, tố cáo là quyền của công dân. Để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật.

Nhiều trường hợp muốn tố cáo nhưng không có bằng chứng trong tay

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần nhìn nhận bản chất của vấn đề là tại sao nhiều người phải tố cáo nặc danh? Vì thực tế có không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập trong khi đó, việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội
 

“Đơn thuần là chuyện người ta sợ trù dập. Nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp người ta muốn tố cáo nhưng không có bằng chứng trong tay để gửi đi vì người ta khó tiếp cận những thông tin ấy. Ví dụ như tôi phát hiện ra sai phạm về tài chính thì tôi chỉ thấy có hiện tượng ấy thôi. Chứ bây giờ tôi có được xem chứng từ, được tiếp xúc với tài liệu ấy đâu mà bảo tôi khẳng định là sai phạm đó là đúng. Chẳng hạn, nhiều vụ việc báo chí nêu ra mà cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra vào cuộc là đúng”- ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Phạm Văn Phất, văn phòng luật sư An Phát Phạm bày tỏ quan điểm: dù không quy định về tố cáo nặc danh nhưng dự thảo luật cũng nên có cách thức xử lý đối với loại đơn này vì đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra: “Khi nội dung tố cáo chính xác kèm theo đầy đủ những tài liệu chứng cứ xác định nội dung là chính xác thì việc xác định ai là người tố cáo không quá quan trọng. Quan trọng là nội dung tố cáo đúng đủ. Còn khi tố cáo không đủ nội dung thì kể cả có tên người tố cáo cũng không có ý nghĩa”.

Không ít người tố cáo, đặc biệt là tố cáo tham nhũng, tố cáo các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức thường lựa chọn tố cáo nặc danh vì họ sợ bị trả thù, trù dập. Vì thế, Dự thảo luật quy định cơ quan, tổ chức vẫn tiếp nhận những thông tin rõ về hành vi vi phạm, người vi phạm, có tài liệu, bằng chứng cụ thể. Tuy vậy, ông Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo trước khi quyết định thụ lý hay không thụ lý tố cáo.

Ông Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

“Trong Dự thảo quy định về tiếp nhận đơn thư do các tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí chuyển đến nhưng chưa đủ điều kiện hoặc nặc danh nhưng có đầy đủ tư liệu, chứng cứ vụ việc sai phạm trong khi luật chỉ quy định chung chung là cơ quan thẩm quyền căn cứ chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy là chưa rõ, chưa thể hiện trách nhiệm xem xét như thế nào, cần xem xét lại cho đầy đủ”- ông Tô Văn Tám nói.

Cần quy định rõ trường hợp đơn tố cáo nặc danh nhưng có kèm chứng cứ

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho rằng, về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

“Về tố cáo nặc danh thì trong Luật phòng chống tham nhũng và Luật tố tụng hình sự không quy định. Tôi đồng tình phương án luật này cũng không nên quy định. Nhưng khi nhận được đơn nặc danh thì trên cơ sở đơn nặc danh đó thì chúng ta có trách nhiệm giải quyết bằng hình thức khác, cách thức khác. Chúng ta đi tìm hiểu, có thể thông qua phương pháp này, phương pháp kia thì chúng ta thấy được vấn đề nổi cộm lên thì lúc đó chúng ta mới giải quyết”-ông Quyền nói.

Dự thảo luật tố cáo sửa đổi quy định, không giải quyết các đơn tố cáo nặc danh để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Tuy nhiên Dự thảo luật cũng xác định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận các đơn tố cáo không có danh tính người tố cáo nhưng rõ nội dung, hành vi vi phạm, danh tính người bị tố cáo để làm cơ sở xem xét theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xem xét, hệ quả pháp lý trong trường hợp này cần được quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật để bảo vệ, bảo đảm quyền của người tố cáo và người bị tố cáo./.