Chiều nay (21/10), tiếp tục chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Báo cáo tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục; việc này có làm thất thoát tài sản Nhà nước hay không.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, thời điểm cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó doanh nghiệp cần 7 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực.

Đến tháng 12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông để triển khai mạng thông tin di động 4G. Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 01/07/2017), Bộ Thông tin và Truyền thông vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm lại vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông lại là đại diện chủ sở hữu của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone tại thời điểm đó), gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Trong các năm 2017 - 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã 3 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn để tiếp tục thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật và phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và tháng 4/2020 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.

Cho đến ngày 1/10/2021 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Ông Lê Quang Huy khẳng định đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế có liên quan chưa theo kịp quá trình phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên nguyên nhân và trách nhiệm chính là do Bộ Thông tin và Truyền thông chậm trễ trong việc rà soát các quy định mới có liên quan, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện trong thực tế; lúng túng trong việc xử lý các tình huống mới.

Dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc chậm trễ thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện đã được đề cập trong Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”./.