Bà Liz Truss nhậm chức Thủ tướng Anh vào ngày 6/9 sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ngắn cầm quyền, bà Liz Truss đã thất bại trong việc “dập tắt” tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính, sau quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và tung ra một “bước ngoặt” mới về thuế doanh nghiệp.
“Tôi đã bước vào Văn phòng Thủ tướng Anh trong bối ảnh kinh tế đất nước và quốc tế đang trong trạng thái bất ổn lớn. Nước Anh đã bị kìm hãm quá lâu bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, và tôi đã được đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi điều này. Chính phủ của tôi đã giải quyết các hóa đơn năng lượng, cắt giảm bảo hiểm quốc gia cũng như đặt ra tầm nhìn cho một nền kinh tế tăng trưởng cao với mức thuế thấp khi tận dụng được các quyền tự do của Brexit”, The Guardian dẫn phát biểu từ chức của bà Truss.
“Tôi thừa nhận đã không thể thực hiện nhiệm vụ này khi tôi được đảng Bảo thủ bầu ra. Tôi ở đây để thông báo với Nhà Vua rằng tôi sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ”, Thủ tướng Liz Truss cho hay.
Với quyết định này, bà Liz Truss trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất từ trước đến nay của Anh. 45 ngày tại vị của bà Truss ít hơn nhiều so với nhiệm kỳ thủ tướng ngắn thứ hai trong lịch sử nước Anh của George Canning, người đã trải qua 118 ngày làm thủ tướng.
Dưới đây là một số thủ tướng ở châu Âu có thời gian tại vị ngắn nhất.
Thủ tướng Bỉ Paul Vanden Boeynant: 165 ngày
Ông Paul Vanden Boeynant từng hai lần giữ chức Thủ tướng Bỉ. Khoảng thời gian tại vị đầu tiên kéo dài 2 năm từ năm 1966-1968 và lần tại vị thứ hai chỉ trong 165 ngày, từ ngày 20/20/1978 - 3/3/1979.
Sau thời gian đảm nhận cương vị Thủ tướng Bỉ, ông Vanden Boeyants nhận án tù treo 3 năm vào những năm 1980 sau khi bị kết tội gian lận thuế.
Ông Vanden Boeynant rời bỏ hoàn toàn chính trường vào giữa những năm 1990.
Thủ tướng Estonia Andres Tarand: 161 ngày
Giữ chức Thủ tướng Estonia chỉ trong 161 ngày, ông Andreas Tarand là nhà lãnh đạo cầm quyền trong thời gian ngắn nhất của các quốc gia Baltic cho đến nay. Ông Andreas Tarand tại vị từ ngày 8/11/1994 đến 17/4/1995.
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve: 161 ngày
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã cầm quyền chỉ trong 5 tháng 4 ngày, từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017.
Ông Cazeneuve được Tổng thống Pháp François Hollande chỉ định là thủ tướng. Ông Cazeneuve từ chức ngay sau khi ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp ngày 15/5/2017.
Thủ tướng Kosovo Albin Kurti: 121 ngày
Albin Kurti đảm nhận cương vị Thủ tướng Kosovo vào tháng 2/2020. Ông Kurti bị bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ sau 2 tháng cầm quyền bởi những tác động từ phe đối lập dưới sự ủng hộ của chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, Albin Kurti và liên minh của ông đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử ở Kosovo, chưa đầy một năm sau khi ông bị loại khỏi cương vị Thủ tướng.
Thủ tướng Albania Fatos Nano: 103 ngày
Ông Fatos Nano được bổ nhiệm làm Thủ tướng của một chính phủ chuyển tiếp và được giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 1991.
Đảng Lao động Albania của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và ông Fatos Nano trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, một cuộc tổng đình công do các hiệp hội độc lập tổ chức đã buộc ông phải từ chức vài tuần sau đó, vào tháng 6/1991, sau 3 tháng 13 ngày cầm quyền.
Ông Fatos Nano tái đắc cử thủ tướng trong hai nhiệm kỳ bổ sung, vào năm 1997 và năm 2002.
Thủ tướng Romania Mihai Răzvan Ungureanu: 89 ngày
Ông Mihai Razvan Ungureanu được bổ nhiệm làm Thủ tướng Romania vào tháng 2/2012 với nỗ lực ổn định đất nước trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chính phủ trung hữu của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu đã sụp đổ sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội vào cuối tháng 4/2012.
Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ theo đề nghị của phe đối lập, đã có 235 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ bất tín nhiệm chính phủ, vượt số phiếu tối thiểu cần thiết là 231.
Ông Ungureanu vẫn hoạt động tích cực trong chính trường Romania với tư cách là thành viên quốc hội trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phần Lan Anneli Jäätteenmäki: 69 ngày
Anneli Jääteenmäki là nữ thủ tướng đầu tiên của Phần Lan, với thời gian tại vị rất ngắn, từ ngày 17/4 – 24/6/2003.
Bà Jääteenmäki đã lãnh đạo đảng Trung tâm giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2003. Tuy nhiên, bà Jääteenmäki dính vào bê bối liên quan đến một số tài liệu bí mật về cuộc chiến tranh Iraq. Bà khẳng định có người đã gửi những tài liệu này cho bà qua fax và nói rằng không biết chúng nhạy cảm đến mức nào. Sau đó, bà Jääteenmäki đã nộp đơn từ chức.
Mặc dù vậy, sự nghiệp chính trị của bà Jääteenmäki không kết thúc ở đó. Bà tiếp tục trở thành thành viên Nghị viện châu Âu từ năm 2001-2019.
Thủ tướng Croatia Josip Manolić: 22 ngày
Thời gian tại vị ngắn ngủi của ông Josip Manolić với tư cách là Thủ tướng Croatia diễn ra vào thời điểm rất hỗn loạn khi Croatia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư vào ngày 25/6/1991.
Ông Manolić trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước mới độc lập, tiếp tục giữ vai trò Thủ tướng của Croatia trong Nam Tư, vị trí mà ông đảm nhận vào tháng 8/1990.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Franjo Tuđman ký Hiệp định Brijuni vào tháng 7/1991, tiếp tục cắt đứt quan hệ của đất nước với các nước cộng hòa Nam Tư khác, ông Manolić được thay thế bởi Franjo Gregorić. Tổng thống Tuđman giao cho ông Manolić nhiệm vụ lãnh đạo một chính phủ liên minh lớn được gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia.
Ông Josip Manolić, người hiện 102 tuổi, là một trong những cựu thủ tướng sống lâu nhất trên thế giới.
Thủ tướng Litva Albertas Šimėnas: 3 ngày
Là một trong những người ký kết Đạo luật Tái lập Nhà nước Litva vào tháng 3/1990, tuyên bố Litva độc lập khỏi Liên bang Xô viết, ông Albertas Šimėnas trở thành Thủ tướng của đất nước Baltic vào ngày 10/1/1991 sau khi chính phủ trước đó từ chức do tình hình kinh tế bất ổn.
Tuy nhiên, ông Šimėnas biến mất 3 ngày sau đó, sau khi quân đội Liên Xô tiến vào tòa nhà Quốc hội Litva. Ngay lập tức, Gediminas Vagnorius, một người ký kết khác của đạo luật tháng 3/1990, đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và tiếp quản quyền lực.
Ông Šimėnas trở lại vào ngày 14/1/1991, gia nhập chính phủ của ông Vagnorius với tư cách là bộ trưởng kinh tế cho đến khi chính phủ này sụp đổ vào tháng 7/1992.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson: 7,5 giờ
Vào tháng 11/2021, sau nhiều ngày đàm phán, lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội đã thành lập một chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ của hai đảng nhỏ hơn.
Sau khi quốc hội bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm bà Magdalena Andersson, bà đã trình bày một kế hoạch ngân sách mới cho đất nước, nhưng một trong các bên đã rút lại sự ủng hộ, và bà đã từ chức chỉ 7 tiếng rưỡi sau khi tại vị.
Vài ngày sau, kế hoạch ngân sách đã được xem xét lại, được sửa đổi và thông qua, bà Andersson một lần nữa được bầu làm Thủ tướng Thụy Điển. Đến tháng 9 năm nay, Thủ tướng Magdalena Andersson tuyên bố từ chức sau khi thừa nhận đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền thất bại trong cuộc tổng tuyển cử./.