Trả lời phỏng vấn báo chí Nga, Đại sứ Indonesia tại Nga Jose Tavares cho rằng một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể giúp “phá băng” quan hệ giữa hai nước.
Nước chủ tịch G20 Indonesia đã gửi lời mời đến Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky mặc dù Ukraine không phải là quốc gia thành viên G20. Hiện lãnh đạo hai nước vẫn chưa xác nhận có tham dự trực tiếp Hội nghị G20 hay không.
Trả lời phỏng vấn trước đó, Tổng thống Zelensky đề cập khả năng không tham dự trực tiếp Hội nghị thượng đỉnh G20 và có thể phát biểu trực tuyến. Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết phía Nga sẽ tham dự Hội nghị G20, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng liệu ông có tham dự trực tiếp hay không.
Đại sứ Jose Tavares hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự trực tiếp chứ không phải trực tuyến. Indonesia sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc gặp trực tiếp giữa các bên. Ông Jose Tavares cho biết không quá mong đợi vào những kết quả đột phá có thể đạt được, nhưng việc hai nhà lãnh đạo gặp trực tiếp trong một phòng họp cũng đã là một kết quả lớn.
Đề cập khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Đại sứ Indonesia cho biết, nếu Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ có ý định gặp nhau ở Bali, Indonesia sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc gặp diễn ra. Với tư cách nước chủ nhà, Indonesia hy vọng rằng cuộc gặp sẽ diễn ra vì có thể giúp giải quyết cho các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Trả lời câu hỏi báo chí về Hội nghị G20 sắp tới sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có cuộc gặp trực tiếp, Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cho biết điều này vẫn đang được xem xét. Nhà trắng cũng không loại trừ khả năng diễn ra một cuộc gặp như vậy, đồng thời cho rằng, nếu Tổng thống Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nên tham dự mặc dù Ukraine không phải là quốc gia thành viên.
Đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 năm 2022 là một thách thức không nhỏ cho Indonesia khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị như vậy, Indonesia vẫn cam kết với chính sách đối ngoại “tự do và tích cực”, hợp tác với tất cả các bên và đảm bảo lập trường cân bằng. Đảm bảo sự tham gia của các tất cả các nước tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, tránh căng thẳng gia tăng có thể cản trở việc đưa ra kết quả chung của hội nghị, tạo dựng lòng tin giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình sau này được cho là ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà Indonesia, với tư cách chủ tịch G20./.