Sáng 29/6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 21 với sự tham dự của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Đào Ngọc Dung. Đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Phiên họp gồm 2 nội dung: Thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội 2020.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, 2 vấn đề được ủy ban xem xét, thảo luận ở phiên họp lần này là 2 nội dung quan trọng. 

Về chương trình giảm nghèo, kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch thu nhập đời sống người giàu, người nghèo còn lớn, cơ chế chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, sự chủ động thoát nghèo, phát huy nội lực của hộ nghèo còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần đảm bảo sự thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững, người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định và nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội, trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, phát triển bảo hiểm xã hội là tiền đề, điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo ổn định xã hội và phát triển kinh tế xã hội.

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội, tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Cho rằng, việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện và chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội là hoạt động thường niên của Ủy ban, nhưng việc thẩm tra lần này có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây sẽ là một trong những căn cứ để sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và chuẩn bị thẩm tra đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trong 3 năm tới.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục, từ đó kiến nghị, đề xuất khả thi sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả./.