Tiếp tục phiên họp thứ 25, chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật công chứng (sửa đổi) và Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.
Về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), cơ bản các ý kiến tán thành với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động công chứng, nhưng nhiều đại biểu cho rằng nhà nước vẫn cần phải duy trì một số lượng nhất định các phòng công chứng, nhất là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi không có hoặc mới có rất ít văn phòng công chứng, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ công của người dân.
Về việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ trong Dự án Luật này, một số đại biểu tán thành với phương án công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch giấy tờ sẽ bảo đảm chất lượng của hoạt động công chứng, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng thực bản dịch.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý: “Văn bản công chứng còn có ý nghĩa chứng cứ trong tố tụng hình sự, kết luận phạm tội hay không. Chúng tôi đề nghị với phương án thứ nhất trong Dự thảo là công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được công chứng, ngoài chứng nhận chữ ký, phải chịu trách nhiệm pháp lý về bản gốc”.
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, có ý kiến cho rằng, công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ để đảm bảo chất lượng công chứng đối với các công chứng viên do nhà nước chỉ định. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Cũng trong phiên họp chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc cử Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, các bước đánh giá tác động môi trường, điều khoản cho phép nhập khẩu phế liệu, cũng như quy hoạch bảo vệ môi trường.
Có ý kiến rằng đánh giá tác động môi trường không cần tiến hành 2 bước nhằm giảm thủ tục hành chính, tốn kém cho doanh nghiệp và đề nghị chỉ cần đánh giá một bước nhưng đảm bảo hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo luật cần quy định rõ danh mục phế liệu nhập và có chế tài quản lý chặt chẽ nếu không nước ta sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới./.