Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

phien_hop_44_ssqf.jpg
Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về 2 Dự án Luật, ngay sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa nội dung để hoàn thiện Dự thảo luật.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: Thống nhất tiếp thu về áp dụng thuế phòng vệ thương mại và về hiệu lực thi hành. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị thời gian có hiệu lực của Luật từ ngày 01/9/2016 thay vì từ ngày 01/7/2016. 

Về miễn thuế, đối với hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường: Luật môi trường quy định cấm nhập khẩu các loại hàng hóa có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc quy định rõ các trường hợp được nhập khẩu hạn chế và giám sát chặt chẽ các loại hàng hóa đó. Do vậy, các hàng hóa này không phải là đối tượng được miễn thuế. 

Đối với quy định miễn thuế với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng phải là các sản phẩm mới, chưa qua sử dụng là không khả thi và đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ. Do đó, Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị cho phép giữ như Dự thảo luật.

Về sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt: Liên quan đến thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ: Một số ý kiến đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3. Có ý kiến cho rằng, việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết: “Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 phân khối như Dự thảo luật. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo luật”.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý 2 Dự án luật và đề nghị: Ban soạn thảo cần chỉnh sửa cho chặt chẽ, minh bạch về chủ thể nộp thuế, về hiệu lực thi hành cần rà soát lại để đảm bảo không vướng mắc khi chuyển tiếp luật mới có hiệu lực.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban tài chính ngân sách tiếp tục rà soát một lần nữa với Bộ tài Chính, Ủy ban Pháp luật để trình 2 dự thảo luật này vào kỳ họp thứ 11 vào tháng 3 tới./.