Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Trồng trọt và báo cáo làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, tại phiên họp 23 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ban đầu Quốc hội “đặt đầu bài” sửa Pháp lệnh giống cây trồng, tuy nhiên, sau đó thấy rằng nền nông nghiệp Việt Nam chuyển từ sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước sang chủ yếu sản xuất hàng hoá và phần chính là xuất khẩu nên cần xây dựng luật để tăng cường quản lý, hình thành ngành khép kín. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, đặt vấn đề này là “hoàn toàn trúng”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, có nhiều nội dung được quy định ở các văn bản khác nhau, do đó, yêu cầu đặt ra là phải pháp điển hoá ở tầm luật để cái gì đã có thì nâng lên, cái gì chưa có thì bổ sung nhằm hình thành chuỗi ngành hàng.

Phát biểu góp ý cụ thể vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, cần giải quyết thị trường, đầu ra cho nông sản. Câu chuyện “được mùa mất giá” cứ nhắc lại nhiều lần nên cần có dự báo thị trường để bà con ổn định.

“Cứ tự phát chạy theo thì lúc chặt cà phê, lúc chặt cao su... Đầu ra không ổn định thì đời sống bà con bấp bênh. Năm nào cũng thấy hiện tượng giải cứu đủ thứ như khoai tây, lợn, su hào... Làm sao sớm chấm dứt tình trạng đó thì dân mới đỡ khổ” – Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ và cho biết có địa phương đã làm tốt trong việc liên hệ đầu ra để phát triển một số loại cây theo quy mô ổn định, từ đó lập các hợp tác xã và lợi ích đến tận người dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình dẫn dự luật quy định trách nhiệm UBND là chỉ đạo thực hiện chiến lược trồng trọt và đặt vấn đề trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước như thế nào và nếu không tiêu thụ được, ai chịu trách nhiệm trước người dân? Do đó phải làm rõ, nếu có chiến lược, UBND có hướng dẫn thì có bảo hộ để khi có vấn đề thì Nhà nước mua.

nguyen_van_giau_ajkf.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: Theo quy hoạch mà gặp rủi ro thì ai chịu?

Cũng nhấn mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết dự thảo nêu nguyên tắc trồng trọt là theo quy định, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền quy định. “Vậy nếu theo quy hoạch mà gặp rủi ro thì ai chịu? Người thực hiện quy hoạch phải chịu trách nhiệm như thế nào?”.

Ở góc độ khác, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, dự luật có nhấn mạnh tới việc canh tác, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ nhưng lại thiếu những chính sách phù hợp.

 “Có nhà khoa học tính toán, chỉ cần tận dụng lại rơm rạ ở Việt Nam chuyển sang phân sinh học thì giá trị rất lớn, mà chúng ta lại đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Cái này rất lãng phí!” – ông  Trần Văn Tuý nói.

Ngoài ra, Trưởng Ban công tác đại biểu nêu quan điểm phải có cơ chế để  thúc đẩy, đi tắt đón đầu trong việc áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến. Bởi điệp khúc “được mùa mất giá” hay giảm giá trị lớn chính là từ áp dụng công nghệ. Nông nghiệp có tính thời vụ và không giải quyết được vấn đề này thì khó phát triển bền vững./.