Chiều 19/7, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến 2 trường hợp vừa qua không được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ đáng tiếc khi xảy ra sự việc trên.

Ông Phúc cũng tái khẳng định, sau khi công bố kết quả bầu cử thì trong tháng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành xác nhận tư cách đại biểu. Kết quả vừa qua có 494 đại biểu đủ tư cách, còn lại 2 người không được xác nhận vì có vi phạm kỷ luật và sai phạm.

nguyenhanhphuc2_jplg.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì vừa qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo kết luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vi phạm. Qua đó cho thấy ông Thanh không đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 7, 100% thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

“Tổng Bí thư cũng vừa yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra xác minh trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh” – ông Phúc cho biết thêm.

Về trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Hường là đại biểu nữ của đoàn Hà Nội, đã hoạt động 2 khoá Quốc hội và trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Bà Hường còn là Uỷ viên Uỷ ban Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam khoá XIV, tham gia nhiều hội và là doanh nhân rất thành đạt. Nhưng vừa qua cơ quan chức năng phát hiện bà Nguyệt Hường vi phạm Luật Quốc tịch, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nên tại phiên thứ họp thứ 8, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV.

“Điều này cần xác định trong quá trình tới đây khi sửa luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa. Với ông Trịnh Xuân Thanh do Uỷ ban Bầu cử Hậu Giang giới thiệu và Mặt trận Tổ quốc tỉnh qua vòng hiệp thương giới thiệu lên. Còn bà Nguyệt Hường không có đơn thư tố cáo gì nhưng vừa qua cơ quan chức năng phát hiện bà đăng ký thêm quốc tịch trái với quy định của pháp luật” – ông Phúc cho biết thêm.

Trước đề nghị bình luận về việc nhiều trường hợp đại biểu Quốc hội là doanh nhân bị bãi miễn, vi phạm, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trường hợp xảy ra với doanh nhân là ngẫu nhiên.

Khoá XIII có 2 đại biểu bị bãi miễn đều rơi vào 2 doanh nhân và là nữ, Khoá XIV đang trong quá trình xem xét tư cách đại biểu đã loại một doanh nhân nữ. Ông Trịnh Xuân Thanh xuất thân cũng là doanh nhân.

“Quốc hội của dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân thì phải đầy đủ thành phần. Những người đó qua các vòng giới thiệu, người dân bỏ phiếu lựa chọn và trúng cử” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm: “Các đại biểu nên xác định là đại biểu của dân nên trước khi ứng cử phải trung thực với chính chúng ta, chứ không phải vào Quốc hội có thể tránh nọ tránh kia là không phải, điều đó là sai lầm. Phải xác định vào Quốc hội phấn đấu làm việc vì nhân dân. Còn sai phạm trước sau cũng sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét, nhân dân sẽ có đơn tố cáo”./.