Hôm nay (19/11), sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có phát biểu trước Quốc hội và trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết: “Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lạm phát cấp phó. Chuyện này tồn tại rất lâu, cử tri kêu rất nhiều”.
Tuy nhiên, đến 15h30 phút chiều 18/11, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho biết, các đại biểu vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo của Chính phủ gửi tới “khoanh vùng” những nội dung có thể chất vấn Thủ tướng, xem ngày mai Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những lĩnh vực nào. Nếu gửi sớm thì ĐB sẽ có thời gian nghiên cứu và đặt vấn đề chất vấn vào đúng trọng tâm, trọng điểm, không lạc đề.
Về câu chuyện “lạm phát” cấp phó, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết cũng quan tâm nội dung này trong phần trả lời của Thủ tướng. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, những chức danh này không chỉ tồn tại ở cơ quan Chính phủ, mà ngay cả ở cơ quan Quốc hội, Đảng cũng có. Chức danh này chưa quy định trong luật, nhưng áp dụng để tính các chế độ, quyền lợi để đáp ứng phần nào khó khăn hay gỡ khó… thì cũng cần làm rõ. Nếu rà soát thì phải thực hiện tổng thể trong phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp, ngành, ở cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thì mới có hiệu lực. Nếu cơ quan hành pháp rà soát mà cơ quan lập pháp, tư pháp không làm sẽ dẫn tới sự so sánh, so bì không đáng có.
Đánh giá về chất lượng các phiên chất vấn tại kỳ họp này, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời rõ ràng, gãy gọn, nắm số liệu tốt. Bộ trưởng có nói “hứa thì sẽ làm”, điều này khiến cử tri có niềm tin và Đại biểu cũng tin Bộ trưởng nói là làm.
Với Bộ trưởng Bộ Công thương có lẽ quản lý nhiều mảng 1 số vấn đề rõ, nhưng 1 số thì chưa. Ví dụ hàng giả, hàng lậu, an toàn thực phẩm; tổ chức thị trường… thì chưa giải quyết được.
Còn chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thì khó lắm, khi CN phát triển thì CNHT hôm nay sẽ khác ngày mai, thay đổi từng ngày, làm sao có thể dự đoán được. Phải nhạy bén và có tầm xa mới giải quyết được. Đúng là CNHT chưa đạt yêu cầu nhưng đại biểu cũng chia sẻ với Bộ trưởng.
Còn Đại biểu Hồ Trọng Ngũ – Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng cho rằng: Các bộ trưởng trả lời cầu thị, đúng, trúng vấn đề cử tri nêu ra. Càng về sau chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tốt hơn kỳ trước.
Đại biểu cho rằng, đặt vấn đề so sánh giữa các bộ trưởng rất khó vì mỗi lĩnh vực có cách tiếp cận là khác nhau. Ví dụ, với lĩnh vực giao thông, tính quyết đoán của Bộ trưởng khá lớn. Nhưng Bộ trưởng GTVT có thuận lợi hơn với lĩnh vực quản lý cán bộ của Bộ trưởng nội vụ. Vì quản lý cán bộ chồng chéo nhiều tầng, nhiều ngành, cấp. Tất nhiên bộ ngành nào cũng phải phối hợp với các ngành khác.
Nhìn từ số phiếu tín nhiệm, thì Bộ trưởng GTVT đã rất cố gắng đã đứng đầu số phiếu trong số thành viên Chính phủ, đánh giá đúng mực của cử tri, đại biểu Quốc hội. Thực tế, tình hình tai nạn giao thông đã cải thiện đáng nhiều kể.
Nói về chuyện Bộ trưởng phải vi hành tới hiện trường nhưng khi bộ trưởng rời đi thì vụ việc lại vẫn y nguyên như cũ, đại biểu Nguyễn Thị Khá bày tỏ: Tôi cũng lo ngại chuyện này. Như ngành giao thông, Bộ trưởng vi hành tới điểm nóng nào thì chỗ đó được giải quyết, thế nhưng bộ trưởng không đủ khả năng đi hết các vùng, miền mà phải có các cánh tay của mình như Thứ trưởng, giám đốc Sở để chỉ đạo, phối hợp, nhịp nhàng, đồng bộ. Nghĩa là khi bộ trưởng đưa ra yêu cầu thì các cấp dưới tuân thủ nghiêm ngặt, theo yêu cầu Chứ một mình bộ trưởng thì không làm được.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, Chính phủ phải làm rõ quản lý ngành, quản lý theo lãnh thổ, quản lý theo ngành dọc thế nào, theo ngành ngang ra sao. Ông giám đốc sở do chính quyền bổ nhiệm, HĐND, UBND phê chuẩn nên phải quy định rõ trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang, không được lẫn lộn.
“Tôi đơn cử như quản lý trong ngành y tế rất khó nếu không do sự chỉ đạo của hệ thống dọc về chuyên môn. Còn vấn đề con người, kiểm điểm, trách nhiệm thì là vấn đề của địa phương. Không thể nói đổ lỗi cho trách nhiệm của địa phương, tôi không chấp nhận mệnh lệnh của ngành dọc. Nhưng cũng có những việc ông bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên Chính phủ phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng ra sao. Khi sai phạm chuyên môn trách nhiệm ngành dọc thì cơ quan địa phương phải xử lý” – đại biểu Nguyễn Thị Khá nói./.