Chi thường xuyên như con ngựa bất kham, khi từ mức 50%, lên 60% và đang ở mức 70% trong tổng chi ngân sách. Đây là con số đáng lo ngại trong bối cảnh cân đối ngân sách ngày càng trở lên khó khăn. Ông Phùng Quốc Hiển Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hộiđã có trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.
Ông Phùng Quốc Hiển: Cơ cấu chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) năm qua rất bất hợp lý. Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không đảm bảo mức đề ra. Về tỷ trọng, chi thường xuyên trên tổng cơ cấu chi tăng từ mức 60% giai đoạn 2011 - 2012 lên mức 67- 70% năm 2014. Dù chi thường xuyên tăng phản ánh tình cảnh vay về để ăn là chính, nhưng bất cập ở chỗ một số chính sách chi cho an sinh xã hội vẫn chưa được đảm bảo.
** Ông nghĩ sao khi mà hiện nay tất cả các khoản thu ngân sách chưa đủ cho chi thường xuyên và trả nợ, còn chi đầu tư phát triển lại chủ yếu dựa vào vốn vay?
Ông Phùng Quốc Hiển: Hiện chúng ta đã bắt đầu có những khoản nợ chính sách như nợ nhà ở cho người có công, một số khoản nợ liên quan đến y tế, giáo dục. Trong cơ cấu thu, chúng ta đã bắt đầu dành phần lớn cho trả nợ. Hay về nguyên tắc bội chi dành cho đầu tư phát triển, thì nay cũng vừa phải dành cho trả nợ. Đó là những áp lực.
Vậy xu thế chúng ta phải tính toán lại, cân đối cố gắng làm sao để chúng ta vẫn phải phát hành những chính sách mới, cuộc sống đặt ra là thế nhưng phải cố gắng phù hợp với khả năng của ta.
Trong khi đó, thời gian qua chúng ta thực hiện giãn, giảm thuế tương đối nhanh, điều đó cần thiết nhưng rõ ràng chúng ta chưa có được nguồn thu tăng lên từ dài hạn thì ngắn hạn sẽ gặp khó khăn. Ví dụ thuế TNDN, trước đây có giai đoạn là 32% xuống 25%, 22% và bây giờ còn 20%. Hay thuế GTGT của chúng ta là một trong những nước thấp nhất so với khu vực. Mỗi lần như vậy, thu lại giảm. Tất nhiên gánh nặng thuế giảm đi tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn nhưng ngắn hạn gặp khó khăn. Chúng ta cũng phải nói thật rằng công cụ thuế không phải “đũa thần” mà nếu giảm quá mức thì mất đi công cụ đòn bẩy và công cụ quản lý.
** Tuy nhiên, nếu triệt để tiết kiệm, chúng ta cũng để ra được một khoản vì trên thực tế yêu cầu tiết kiện chi 10% dành cho tăng lương của Chính phủ mấy năm trước đây đã có hiệu quả, thưa ông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng là chúng ta vẫn tiết kiệm trong chi thường xuyên, nhưng tiết kiệm cũng chỉ đến một giới hạn nào đó thôi. Chúng ta tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số tiết kiệm chỉ được khoảng 6.000 tỷ đồng, mà nếu tăng lương chỉ 100.000 đồng/người thì cần tới 40.000 tỷ đồng.
** Thưa ông, liệu có phải kỷ luật ngân sách chưa nghiêm nên chưa tiết kiệm triệt để. Trong quyết toán NSNN năm 2012 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 648 tỷ đồng chi sai chế độ của 34/34 địa phương. Trong khi con số này năm 2011 chỉ gần 200 tỷ đồng?
Ông Phùng Quốc Hiển: Vấn đề kỷ luật tài chính chúng ta vẫn nói suốt nhưng vẫn chưa siết chặt được. Vì thế trong quy định tới đây hướng dẫn thi hành Hiến pháp 2013 có một câu rất quan trọng mà chúng tôi kiến nghị đó là không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc nếu không có dự toán.
** Để chi thường xuyên lùi về mức 50% đến năm 2020 theo kiến nghị của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, theo ông phải áp dụng các biện pháp mạnh nào?
Ông Phùng Quốc Hiển: Cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm ngay từ đầu năm, từ việc cắt dự toán các khoản chi không cần thiết!
** Xin cảm ơn ông./.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
“Tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng thực hiện giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống, có điều quyết tâm chính trị ở đây là rất lớn. Do đó, không còn cách nào khác là phải tăng nguồn thu ngân sách để đảm bảo chi, đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng trưởng, kéo theo thu nội địa tăng thì mới có nguồn bù đắp. Cùng với đó, chi đầu tư phát triển cũng phải sớm sinh lời để mang lại hiệu quả, đóng góp vào phần chi ngân sách”.