“Là đại biểu Quốc hội, tôi đề cao sự trung thực, lòng dũng cảm, tham gia đầy đủ các phiên chất vấn, dũng cảm chất vấn những vấn đề cử tri bức xúc, quan tâm với mục tiêu cùng tháo gỡ để xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân, ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; thực hiện lời dạy của Bác “việc gì khó nhưng có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm bằng được; còn việc gì có hại cho dân thì khó mấy cũng phải ngăn chặn bằng được”, ông Đỗ Đức Hồng Hà – Giám đốc Học viện Tư pháp, vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của thành phố Hà Nội, chia sẻ với phóng viên VOV.VN

ong_ha_1_mbda.jpg
Ông Đỗ Đức Hồng Hà (thứ 2 từ trái qua) tiếp xúc với cử tri huyện Đan Phượng (Ảnh: website Học viện Tư pháp)
PV: Lần đầu tiên được đề cử và được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Ông có thể cho biết cảm xúc của ông lúc này?

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Cảm xúc lớn nhất trong tôi bây giờ là niềm vinh dự to lớn nhưng cũng gắn với một trách nhiệm rất nặng nề. Được làm một đại biểu Quốc hội tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp, có quyền giám sát tối cao và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước là niềm vinh dự không chỉ của cá nhân tôi, mà của cả những người Việt Nam  khác được trúng cử đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh vinh dự to lớn tôi cũng xác định một trách nhiệm rất lớn với đất nước, với nhân dân đặc biệt với những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang đặt ra: xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, cải cách tư pháp, bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân, tăng cường hợp tác quốc tế và nhiều vấn đề hệ trọng khác.

PV: Trong quá trình vận động bầu cử, ông đã thuyết phục cử tri bằng cách nào và bây giờ khi đã trúng cử, ông sẽ nói gì với họ?

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Trên cương vị là Giám đốc Học viện Tư pháp, tôi từng “hứa” với cử tri dù có được chọn hay không, với chuyên môn nghiệp vụ của mình, tôi sẽ tiếp tục tham gia làm tốt công tác đào tạo đóng góp cho xã hội những cán bộ tư pháp có tài, có đức góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng tranh tụng, đảm bảo công lý, công bằng và tạo niềm tin trong nhân dân.

Nếu được cử tri tin tưởng lựa chọn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tôi đặt ra cho mình là thực hiện tốt giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chống oan sai;

Bên cạnh đó tôi không quên thực hiện đúng 5 tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội, tham gia vào công tác quan trọng của Quốc hội. Để làm tốt những công việc đó tôi cho rằng phải luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ để nắm bắt, tâm tư nguyện vọng của cử tri khi đó những kiến nghị trên diễn đàn Quốc hội mới đảm bảo hợp lòng dân.

Ngoài ra, tôi có một lời hứa với cử tri rằng gia đình tôi cũng như Học viện Tư pháp nơi tôi làm việc, sẽ luôn mở rộng cửa đón cử tri khi họ cần được tư vấn pháp luật,  giúp cử tri bảo vệ được quyền lợi của mình tránh vi phạm pháp luật và khiếu kiện kéo dài; đồng thời giúp họ giải đáp những vướng mắc liên quan đến pháp luật, để cử tri thực hiện được tốt nhất quyền công dân. Đây cũng là cơ hội tôi gần gũi và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh trên diễn đàn Quốc hội.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà trình bày chương trình hành động tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Ảnh: website Học viện Tư pháp)
PV: Ông có nhận xét gì về công tác xây dựng luật của ta hiện nay. Ông sẽ đề xuất gì để góp phần xóa bỏ “định kiến” lâu nay cho rằng luật của ta chậm đi vào cuộc sống, thiếu tính khả thi?

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Có thể nói thời gian qua công tác xây dựng pháp luật của đất nước đã có bước tiến lớn, đã xây dựng và hoàn thiện trong thời gian ngắn một hệ thống pháp luật khá đồ sộ và tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng vì phải hoàn thiện một khối lượng luật lớn như vậy nên không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Với trách nhiệm của mình, cùng với những kiến thức và phương châm phải luôn gần dân, sát dân trên cơ sở những ý kiến phản ánh của nhân dân, tôi sẽ tham mưu, đề xuất, phản ánh với Quốc hội và các cơ quan chức năng để đưa vào luật những quy định gắn chặt với cuộc sống và công khai, minh bạch, đơn giản hóa để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, khắc phục một số tồn tại thời gian qua.

PV: Theo ông, phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với người đại biểu của dân?

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Ngoài 5 tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội đã được thể hiện trong Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương tôi đặc biệt đề cao sự trung thực, lòng dũng cảm.

Không chỉ tham gia đầy đủ các phiên chất vấn, tôi sẽ tham gia chất vấn những vấn đề cử tri bức xúc, quan tâm với mục tiêu cùng tháo gỡ để xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân, ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; thực hiện lời dạy của Bác “việc gì khó nhưng có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm bằng được; còn việc gì có hại cho dân thì khó mấy cũng phải ngăn chặn bằng được”.

Tôi xác định là đại biểu do dân bầu phải xứng đáng với sự tín nhiệm, tin yêu của cử tri.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, quy định 5 tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà (thứ 2 từ trái qua) tiếp xúc với cử tri huyện Đan Phượng (Ảnh: Trang web Học viện Tư pháp)
Ông Đỗ Đức Hồng Hà (thứ 2 từ trái qua) tiếp xúc với cử tri huyện Đan Phượng (Ảnh: Trang web Học viện Tư pháp)