Ngày 14/5, tại phiên họp 24, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 đã chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. 12/13 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (4 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch), 1 chỉ tiêu không đạt kết hoạch.

thuong_vu_quoc_hoi_24_yfve.jpg
Phiên họp 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Cùng với đó là cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Thu hút vốn FDI đạt kết quả khả quan; lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng lên nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.

Phát biểu góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng các cân đối lớn làm cho chúng ta yên tâm hơn rất nhiều, cơ bản xua tan tâm lý giữ vàng của người dân, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng thuận lợi...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu cũng băn khoăn khi năng suất lao động theo đánh giá của Chính phủ còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo diễn đàn kinh tế vĩ mô vừa công bố vừa qua, năng suất lao động cốt lõi trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng... xếp sau cả Camphuchia. “Đây là vấn đề chúng ta phải hế sức suy nghĩ” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Bày tỏquan điểm đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Chính phủ đã phản ứng khá nhanh và kịp thời với những vấn đề nóng và bức xúc với thái độ rõ ràng, nghiêm túc và có phương án xử lý cụ thể.

Đề cập vấn đề “nói và làm”, theo bà Nga, có giai đoạn Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận tại các địa phương và các ngành nhưng không biết sau đó làm như thế nào. Nhưng ở khoá này, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đã phát huy hiệu quả, tức đã kết luận là phải kiểm tra xem thực hiện đến đâu. Ngoài ra, thủ tục hành chính cũng được cắt giảm nhiều.

“Chính phủ hoạt động công khai và minh bạch hơn. Luật quy định rồi nhưng không phải giai đoạn nào cũng công khai được các kết luận thanh tra và vụ việc lớn. Vừa qua công khai thanh tra vụ AVGhay việc công khai phương hướng xử lý 12 dự án thua lỗ... được dư luận đánh giá cao” – bà Lê Thị Nga nói và cho biết công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua cũng đưa lại hiệu ứng tích cực trong dư luận.

Rút ra vấn đề gì trong quản lý tài sản công, đất công?

Một trong những điểm được nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đó là việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Cơ quan này đề nghị báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.

“Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này” – cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga: Tội phạm công nghệ cao có ngay trong cơ quan có chức năng chống tội phạm công nghệ cao là việc rất nghiêm trọng

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị xem lại quản lý tài sản công và đất công, nhất là ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... “Qua tổng thể tất cả vụ việc chuyển nhượng trái phép, bán chỉ định... thì Chính phủ rút ra vấn đề gì trong quản lý tài sản công, đất công?” – bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi và đề nghị kiểm tra xử lý rốt ráo tình trạng đầu cơ, trục lợi tăng giá đất ở một số nơi như 3 địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế.

Về tình hình tội phạm, theo bà Lê Thị Nga, tội phạm công nghệ cao có ngay trong cơ quan có chức năng chống tội phạm công nghệ cao là việc rất nghiêm trọng. Các vụ án đang được làm rõ nhưng phải đánh giá lý do vì sao, cách quản lý như thế nào. Ngoài ra, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra trầm trọng ở một số địa phương trong khi Thủ tướng đã ban hành lệnh đóng cửa rừng, do đó cần làm rõ trách nhiệm.

Liên quan cháy nổ, bà Nga dẫn số liệu cho thấy 4 tháng vừa qua xảy ra hơn 1400 vụ làm hàng trăm người chết và bị thương. “Lo nhất là cư dân ở các khu chung cư, 5 đến 6 tầng còn chạy được chứ 20 đến 30 tầng thì không biết người dân chạy bằng cách nào. Giờ phó mặc cho số phận hay sao?” – bà Nga đặt vấn đề và cho rằng Chính phủ cần có giải pháp để xử lý đảm bảo an toàn cho người dân./.