Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh, khiếu nại trong trưng cầu ý dân là vấn đề lớn, thể hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đấu tranh với những tiêu cực, sai sót trong quá trình trưng cầu ý dân. Vì vậy, quyền được khiếu nại trong quá trình trưng cầu ý dân của công dân là quyền cần phải được tôn trọng và bảo vệ.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân chỉ quy định quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, còn quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân chưa đề cập đến.
Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) |
“Tôi đề nghị cần thiết kế thêm một chế định quy định về việc khiếu nại kết quả trưng cầu ý dân của công dân khi họ phát hiện kết quả đó không khách quan, chưa chính xác, có ý đồ gian lận trong kiểm phiếu công bố kết quả. Trong đó cần quy định rõ nơi nào nhận đơn khiếu nại, nơi nào sẽ giải quyết khiếu nại, thời gian bao lâu thì kết quả khiếu nại đó được công bố”, đại biểu Công nêu ý kiến.
Nhất trí với quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân, tuy nhiên, đại biểu Lâm Lệ Hà (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc quy định như dự thảo không tập trung mà rải rác ở các điều theo nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tổ chức.
Đại biểu Hà đề nghị dự thảo quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo nên thiết kế thành một chương hoặc một mục riêng, trong đó quy đinh cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan tổ chức tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về những nội dung khác nhau trong tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. Qua đó làm cho dự thảo luật ngắn gọn, tránh trùng lặp, không lưu lại cùng một nội dung ở nhiều điều khác nhau của luật.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) |
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng chỉ quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri chưa đầy đủ. Vì khiếu nại, tố cáo có thể xảy ra trong suốt cả quá trình tổ chức trưng cầu ý dân, từ lập và niêm yết danh sách cử tri, bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả trưng cầu ý dân.
Đại biểu đề nghị có thể quy định thành một chương riêng về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc một điều nhưng quy định đầy đủ các trường hợp có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo. Quy định rõ trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có liên quan từ tổ trưng cầu ý dân, UBND các cấp cho đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Còn đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (đoàn Sóc Trăng) đề nghị quy định những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm trong việc kiểm phiếu do tổ trưng cầu ý dân tiếp nhận giải quyết.
Việc giải quyết phải lập biên bản trong trường hợp tổ trưng cầu ý dân không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của tổ trưng cầu ý dân vào biên bản giải quyết và chuyển đến UBND cấp xã, sau khi kiểm phiếu xong nhằm để điều luật chặt chẽ./.