Sáng nay (28/5), tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã trình bày Tờ trình dự án Luật trưng cầu ý dân. 

Theo đó, dự thảo luật gồm 9 chương, 56 điều, đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…

quoc_hoi_2_imww_skvr.jpg

Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.

Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Chủ tịch Hội Luật gia Nguyễn Văn Quyền cho rằng, trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Việc xác định phạm vi trưng cầu ý dân ở quy mô nào toàn quốc hay địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vấn đề trưng cầu ý dân, điều kiện địa lý, truyền thống chính trị, văn hóa…

Một trong những vấn đề đặt ra là luật có nên quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc hay cần tiến hành ở phạm vi địa phương? Theo ông Nguyễn Văn Quyền, thực tiễn cho thấy có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định (như xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một vùng lãnh thổ, việc trao những thẩm quyền đặc biệt cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ở biên giới, hải đảo…).  

Vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc mà không quy định ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính (khu vực) thì có đạt mục tiêu, yêu cầu về dân chủ, có những tác động gì đến đời sống chính trị địa phương?

Dự kiến ngày 3/6, các đại biểu sẽ thảo luận về dự án luật này./.