Trưng cầu ý dân là việc khẳng định quyền làm chủ trực tiếp của người dân đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, do chưa được thể chế hóa cụ thể trong luật nên việc trưng cầu ý dân vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Việc cho ra đời Luật trưng cầu ý dân rất cần thiết và dự thảo Luật đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Một số nội dung còn ý kiến khác nhau gồm quy định trưng cầu ý dân, nội dung đưa ra trưng cầu ý dân, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Những vấn đề này phải được quy định cụ thể để người dân thực sự được tự chủ, độc lập, thể hiện chính kiến bằng lá phiếu của mình.

Nghe nội dung bài viết:

Vai trò, sứ mệnh của người dân “làm gốc” đối với các vấn đề lớn của đất nước được cụ thể hóa thành một văn bản luật là Luật Trưng cầu ý dân. Điều nàykhẳng định tiếng nói của người dân luôn được lắng nghe, được tôn trọng và một khi người dân được nói tiếng nói của mình sẽ góp phần làm cho hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, của các cấp chính quyền ngày càng được củng cố, minh bạch.

Các đại biểu cho rằng ban hành Luật trưng cầu ý dân trong thời điểm hiện nay là phù hợp để kịp thời thể chế hóa Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Về phạm vi trưng cầu ý dân, nhiều đại biểu đề nghị quy định trưng cầu ý dân phải là những vấn đề lớn liên quan đến quốc dân đại sự, còn những vấn đề mang tính chất địa phương nên giao cho chính quyền địa phương quyết định.

Theo đó, cần quy định rõ vấn đề nào trưng cầu ý dân trên cả nước, vấn đề nào trưng cầu ý dân ở địa phương. Đối với một số vấn đề đặc thù liên quan trực tiếp đến đời sống người dân tại một khu vực hoặc địa phương thì phạm vi trưng cầu ý dân cần được thực hiện tại địa phương đó.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị: “Khi chúng ta làm luật năng lượng nguyên tử thì đã có một điều quy định lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Do đó, tôi đồng ý với ý kiến là không chỉ phạm vi toàn quốc mà cả phạm vi ở khu vực, những địa phương có phạm vi ảnh hưởng tới nội dung chúng ta cần trưng cầu ý dân”.

phan_xuan_dung_afkw.jpg
ĐBQH Phan Xuân Dũng

Nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, không nên quy định quá cụ thể, dự án luật chỉ nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Thuận góp ý: “Thực ra cái này cũng lựa chọn từng vấn đề một nhưng chỉ là những vấn đề lớn liên quan đến quốc gia, dân tộc hoặc đối tượng điều chỉnh lớn, rộng khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội hoặc trong xã hội mà thấy rằng vấn đề đó còn đang có những ý kiến, còn ở mức độ 50/50, tức là không ngã ngũ được, không có được một quyết định một cách chính xác thì đưa ra trưng cầu dân ý. Trên cơ sở đó để bổ sung cho quyết định sẽ thực hiện trong thời gian tới”.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

Vậy cơ quan, tổ chức nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân? Các đại biểu cho rằng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là hợp lý.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên đề nghị bổ sung thêm chủ thể Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có quyền đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Bởi vì Mặt trận Tổ quốc là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có quyền giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và là nơi nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

“Tôi đề nghị bổ sung Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vì MTTQ Việt Nam có quyền, trách nhiệm mà pháp luật quy định. Tôi thấy có 3 quyền, trách nhiệm liên quan trực tiếp đến trưng cầu ý dân. Đó là quyền, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thứ hai là trách nhiệm thực hiện dân chủ và thứ 3 là tăng cường đồng thuận xã hội”, ông Đỗ Mạnh Hùng nói.

Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được tối thiểu 50% người dân đi bỏ phiếu và tối thiểu 50% số phiếu tán thành. Nếu dự thảo Luật quy định phải 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành để thi hành thì rất khó, thậm chí nếu tổ chức không tốt dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay, dẫn đến làm giảm ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân.

Ông Nguyễn Anh Sơn, đại biểu đoàn Nam Định cho rằng: “Cần có quy định làm sao đảm bảo có hơn nửa số cử tri đi bỏ phiếu và phương án được lựa chọn cũng phải là hơn nửa số cử tri trong danh sách đi bầu là hợp lệ. Ở điều này tôi đề nghị quy định “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ và phương án trưng cầu ý dân được công bố thi hành khi có số phiếu hợp lệ nhiều hơn 50% tổng số cử tri trong danh sách và số phiếu hợp lệ lựa chọn chiếm hớn 50% đảm bảo đúng đa số tuyệt đối”.

Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm góp ý như: Quy trình trưng cầu ý dân còn nặng nề như quy trình tổ chức bầu cử, rất khó thực hiện; làm rõ công dân Việt Nam sống ở nước ngoài đủ điều kiện được bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Các đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm giám sát trưng cầu ý dân và việc công bố kết quả trưng cầu ý dân phải trung thực.

Những vấn đề trong dự thảo Luật trưng cầu ý dân sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận vì đây là luật mới và khó. Nắm rõ mục đích của việc ban hành luật và tìm hiểu sâu xa nguyện vọng của dân thì mới có thể có được Luật Trưng cầu ý dân đáp ứng đầy đủ quyền và nguyện vọng của người dân./.