Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh còn hạn chế, nhất là tình trạng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời.
Chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể làm cản trở việc đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và làm giảm ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành.
Phân tích cụ thể về những hạn chế trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, các luật, pháp lệnh có hiệu lực nhưng vẫn còn 55,6% những nội dung chi tiết không được quy định.
Như vậy, có nghĩa là luật có hiệu lực nhưng không được thực hiện đúng thời điểm. Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chất lượng xây dựng Luật còn hạn chế."Tôi thấy nchất lượng xây dựng luật chưa tốt, vẫn còn tình trạng luật khung, luật ống, luật chờ nghị định, chờ thông tư. Luật được thông qua nhưng chi tiết ra rất khó, bởi nó không khả thi, không thực tế dẫn tới tác động không tốt trong xã hội”, ông Hiển nêu ý kiến.
Tại phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Quốc hội nên ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đặc biệt, phải có giám sát tối cao để nâng cao trách nhiệm và lập lại kỷ cương trong vấn đề thực thi pháp luật.“Bây giờ nếu thực hiện đúng Luật ban hành văn bản pháp luật thì cái gì đủ thì trình, không đủ không trình, hay chưa cụ thể thì chưa trình. Đồng thời, đặt vấn đề kỷ luật, trách nhiệm trong thẩm tra Luật và cho phép cái nào đủ điều kiện ra. Nếu có nghị quyết chuyên đề của Quốc hội và có giám sát tối cao và chúng ta thường xuyên làm việc này. Thay vì lo làm luật không thì phải xem luật đã ban hành đi vào cuộc sống chưa, đã được tổ chức thực hiện chưa, cái đó mới là điều quan trọng”, bà Ngân nói.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, nghe đoàn giám sát báo cáo và Chính phủ báo cáo (bổ sung) về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.