Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (4/7), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hiệp Hòa.

Dự buổi tiếp xúc có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và bà Hoàng Thị Hoa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

2_tiep_xuc_cu_tri_bac_giang_rskb.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân bắt tay các cử tri Bắc Giang

Thông báo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 9 Nghị quyết, lấy ý kiến về 15 dự án luật khác nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp.

Trong đó, đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Ngoài ra, Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Tiến báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tới cử tri huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang

Ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết, đây là sự phát triển mạnh mẽ của vấn đề xây dựng pháp luật, là 1 trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua, xem xét nhiều Luật quan trọng để chúng ta hội nhập tiến tới sống và làm việc theo pháp luật để xã hội ngày càng dân chủ, văn minh. Những bộ luật đó đáp ứng các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, đặc biệt trong quá trình đổi mới đất nước.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Thủ tướng đã có quyết định nâng mức trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi nhưng các bộ ngành, địa phương chưa triển khai vì chưa có nguồn; chế độ chính sách cho các đối tượng người có công chưa thỏa đáng; đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, tiền lương chưa đủ sống.

Cử tri Nguyễn Văn Linh, huyện Hiệp Hòa cho rằng, hiện nay, lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng mới chỉ bảo đảm chưa đến 70% mức sống cơ bản. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có giải pháp tăng lương theo lộ trình. Lương tối thiểu cần tăng lên mức 1.500.000 đồng/tháng để bảo đảm mức sống cơ bản của người hưởng lương, nhất là lương hưu.

Về cách tính giá điện lũy tiến mà vừa qua khiến dư luận bức xúc, cử tri Nguyễn Văn Lư, xã Ngọc Sơn, Hiệp Hòa cho rằng: do nhu cầu cuộc sống, người dân đã đóng góp để xây dựng các công trình điện. Nhưng từ khi bàn giao lưới điện cho điện lực để nâng cấp công trình điện thì đến nay, lũy tiến thu tiền điện ngày càng tăng.

Ông Lư suy nghĩ, với các ngành khác, càng sử dụng nhiều thì càng được giảm giá, trong khi ngành điện sử dụng nhiều số thì càng mất nhiều tiền. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, muốn sử dụng nhiều tiện nghi nhưng lại lo tiền điện.

Tiếp thu những ý kiến và kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang, lãnh đạo các địa phương đã giải trình kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.

Cử tri Bắc Giang dự Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chúng ta sản xuất điện theo nguyên tắc nhà nước không bù lỗ, 40 năm qua, Nhà nước bù lỗ cho nên giá điện thật không đúng giá chi phí. Nếu để giá điện bằng chi phí thật thì các hộ nghèo không trả được chi phí đó. Do đó, với ngành điện người nghèo dùng tối thiểu nhà nước bù lỗ còn dùng nhiều nhà nước không bù lỗ. Bên cạnh đó, tổng thể nguồn điện còn khó khăn, chủ yếu dựa vào thủy điện, nhiệt điện nên trả theo lũy tiến góp phần tạo ý thức tiết kiệm có lợi cho bản thân và đất nước.

Về vấn đề lương chưa đảm bảo cuộc sống, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Có nhiều năm mức thu của chúng ta không đạt kế hoạch. 2010-2015 khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn tiếp tục, tăng trưởng trên 6%, mức thu ngân sách không được như dự kiến nên không tăng theo kế hoạch. Chính phủ chọn tăng lương cho người về hưu trước, công chức tăng chậm lại, những người khó khăn nhất thì giải quyết trước”.

Về ý kiến của cử tri cho rằng, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn khi mà sản xuất còn bấp bênh về thị trường, thương hiệu nông sản chưa được quan tâm... Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nông dân không thể đơn lẻ làm ăn. Cần liên kết lại để sản xuất, cụ thể là phải phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngay trong tháng 7 này sẽ có sơ kết về phát triển Hợp tác xã, trong đó ký kết với Ngân hàng Nhà nước để cho các Hợp tác xã vay vốn. Theo đó Hợp tác xã có thể vay tới 800 triệu đồng mà không cần thế chấp. Mục tiêu là tạo bứt phá cho các Hợp tác xã, nhất là Hợp tác xã nông nghiệp làm ăn hiệu quả trong vòng 3 năm tới./.