Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là thời gian có sự tham gia đầy đủ nhất của các đại biểu, là hoạt động được theo dõi cẩn thận nhất và thu hút sự phê phán nhiều nhất trong mỗi phiên họp của Quốc hội.
cao_duc_phat_rqyz.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là vị tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Hoàng Long)

Không khó để nhận ra rằng, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có những thay đổi để hoạt động chất vấn có hiệu quả cao hơn. Nhưng với cử tri như thế vẫn chưa đủ bởi trước yêu cầu của thực tiễn cuộc sống thì lời nói phải đi đôi với hành động hiệu quả. Đây chính là câu trả lời chất vấn hay nhất.

Nhìn vào danh sách thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này là 4 bộ trưởng, gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo cho thấy ngay những vấn đề được đưa lên bàn nghị sự: đó là điệp khúc “được mùa rớt giá”, nông sản ùn ứ, không có đầu ra; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015; việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ… tất cả đều là những vấn đề lớn, những vấn đề đang cần có những cú hích hiệu quả.

Nội dung chất vấn luôn là những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi, bức xúc nhất. Những vấn đề đó tác động trực tiếp đến đời sống của cử tri và nhân dân cả nước, nó vừa cụ thể nhưng lại vừa bao quát ở tầm quốc gia. Đó là những tâm tư, nguyện vọng thiết tha mà cử tri muốn gửi gắm tới cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Chính vì vậy, khi hoạt động chất vấn đã trở nên quen thuộc ở nhiều khóa Quốc hội, không chỉ ở những kỳ họp Quốc hội mà cả ở các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với hoạt động điều trần tại các Ủy ban, thì yêu cầu của cử tri đối với chất vấn cũng khắt khe hơn. Nếu như trước kia việc đặt câu hỏi chất vấn, cách trả lời chất vấn  được quan tâm nhiều, thì nay cử tri hướng sự quan tâm đến việc thực hiện những lời hứa.

Một đại biểu Quốc hội từng nói: viết nghị quyết thì ai cũng viết được, còn thực hiện, đưa nghị quyết đó vào cuộc sống như thế nào? Giải pháp mà các Bộ trưởng đưa ra đọc thì rất tốt, rất thuyết phục. Nhưng thực hiện được hay không là vấn đề khác. Kết quả thực hiện nghị quyết là điểm cuối cùng chứ không quan trọng là lời hứa.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về tiến trình xây dựng khu neo đậu ở Lý Sơn còn chậm và trách nhiệm của Bộ trưởng (Ảnh: Hoàng Long)

Nhiều cử tri cũng có những nhận xét rằng: Quốc hội, Chính phủ thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết rất trúng nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đối với làm. Đây là những nhận xét rất xác đáng. Bởi vì, nhiều vấn đề các bộ trưởng từng hứa trước Quốc hội nhưng khi soi chiếu vào thực tế thì vẫn còn đó những lời hứa chưa được thực hiện. Nhiều vấn đề nóng nhưng lại kéo dài từ kỳ họp này đến kỳ họp khác.

Chất vấn xong không phải là xong. Chất vấn cũng không phải là để đấy. Điều quan trọng nhất là đã hứa trước nhân dân thì phải hành động và nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình. Muốn đạt được điều đó, bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch đề ra rất cần sự theo dõi giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đặc biệt là giám sát của cử tri và nhân dân cả nước./.