Nhận xét về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cử tri cho rằng, về cơ bản những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, sát thực tiễn. 

Tuy nhiên, trong phần trả lời của Bộ trưởng chưa thoả mãn mong đợi của đại biểu Quốc hội và cử tri. 

Những vấn đề "nóng" nhiều năm qua chưa được giải quyết căn cơ

Theo dõi phiên trả lời chất vất của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong sáng nay ( 11/6), về vấn đề tiêu thụ nông sản, cử tri Bùi Quyền, ở thôn 2, xã Ea B’hôk, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc cho rằng phần trả lời chưa thoả đáng với những mong đợi của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Mặc dù bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm và những lo lắng ở cương vị người đứng đầu ngành nông nghiệp nhưng chưa đưa ra được giải pháp ổn định cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp nói chung và phát triển bền vững cây công nghiệp nói riêng.

Với vị trí là người trồng cà phê, cử tri Bùi Quyền nêu ý kiến: “Cứ nói là phát triển cà phê bền vững, nhưng thực tế đến nay giá chỉ 37.500 đồng/kg thì người làm không được gì còn lỗ. Tôi nghĩ nếu muốn giữ được cây cà phê bền vững thì nên có trợ giá như cây lúa của Đồng bằng Sông Cửu long, làm sao cho người dân phải có lãi, ít nhất được 30% thì cũng nên lấy đó làm bài học”.

Cử tri Huỳnh Văn Quốc, số nhà 72, đường Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nêu ý kiến: “Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát trả lời quá chung chung, chưa đi vào cụ thể. Nên trả lời ngắn, gọn, trả lời dứt khoát cái làm được, chưa làm được. Tâm tư của chúng tôi là Nhà nước phải có chế độ chính sách, quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh về nông nghiệp mới cạnh tranh được các nước lánh giềng. Bộ trưởng Nông nghiệp cũng như Công thương phải đi trước một bước chứ đi sau một bước không bao giờ thành công. Nông dân cứ bơi đi, bơi lại mấy chục năm cũng cứ được mùa rớt giá, mất mùa thì có giá vậy thì nông dân rất khổ”.

Nguyễn Minh Phong, Hà Nội cho rằng: "Phần trả lời của Bộ trưởng chưa thật trúng và chưa bao quát hết những điểm mấu chốt để tạo nên những đột phá trong tiêu thụ nông sản, cũng như trong việc tạo động lực phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa  theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Một mặt vẫn cho thấy có một sự thụ động nhất định, chờ sự chỉ đạo của Chính phủ chứ chưa phải kế hoạch chủ động từ Bộ đưa lên, từ ý tưởng của cán bộ lãnh đạo đưa lên để tạo nên sự chuyển động mang tính chất tích cực từ phía các cơ quan hữu quan. Cùng với đó vẫn đang dừng lại ở mức độ nhận thức về vai trò của nhà nước trong hỗ trợ nông nghiệp đặc biệt là vấn đề tiêu thụ, mới dừng ở chính sách, quy hoạch  mà chưa nhấn mạnh đến khâu hỗ trợ về công nghệ, chỉ  đạo phối hợp để tạo ra những đột phá trong công nghệ bảo quản.

C
ử tri Nguyễn Văn Cho, ở phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho rằng những vấn đề "nóng" kéo dài nhiều năm qua nhưng ngành nông nghiệp và các ngành khác chưa có giải pháp căn cơ: “Những vấn đề đó không mới nhưng mà nó tồn tại bao nhiêu năm nay. Bộ trưởng trả lời rõ nhưng trả lời đó phải đi đôi với thực tế, nói đi đôi với làm. Ví dụ cái trái cây đó thôi bây giờ xuất khẩu là không được. Dân người ta sản xuất ra người ta bỏ, chặt cây này trồng cây khác. Bây giờ nông dân làm ra không tiêu thụ được rõ ràng đời sống nhân dân không phát triển được”.

Điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá mất mùa” vẫn diễn ra

Các cử tri ở huyện Thuận Châu tán thành nhất việc Bộ trưởng nhấn mạnh phải đẩy mạnh sự liên kết “4 nhà” trong quy hoạch, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bởi đối với nhà nông ở tỉnh miền núi như huyện Thuận Châu và tỉnh Sơn La, đa số nông dân vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường, nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường diễn ra.

Về vấn đề này, cử tri Hà Văn Thanh, dân tộc Thái, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu nêu ý kiến: “Phần trả lời của ông Bộ Trưởng Cao Đức Phát tôi thấy vấn đề trọng tâm nhất là việc đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp. Mà nông nghiệp ở miền núi hiện nay gần như dân tự lo, tự làm mà thôi. Gần như là được ăn cả, ngã về không, làm được thì ăn, không làm được thì thôi. Như vậy tôi thấy nếu không có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì nghèo sẽ vẫn hoàn nghèo mà thôi. Thực chất cái “4 nhà” chưa đến được với nông dân đâu. Mà ở đây thấy phát triển được con nào, cây gì thì cứ đổ xô vào làm thôi. Làm xong một cái thì bão hòa thị trường. Vậy là rớt giá. Mà rớt giá thì dân lại khổ thôi).

Ông Nguyễn Văn Ngãi ở khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy "bốn nhà" liên kết lại với nhau. Nếu để nông dân họ kêu gọi các “nhà” khác tham gia thì rất khó, mà ngồi chờ doanh nghiệp họ tự phát tìm đến nông dân cũng sẽ còn rất lâu. Việc liên kết "bốn nhà" là xu thế tất yếu. Nếu Nhà nước không có sự hỗ trợ mạnh mẽ hoặc bỏ một mình nông dân sản xuất tự phát thì sẽ có nguy cơ thất bại).

Còn của tri Trần Quang Thuận tỉnh Quảng Bình cho rằng, ngành nông nghiệp cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại: “Tôi thấy đợt họp Quốc hội lần này có đổi mới. Tôi thấy vấn đề nổi bật nhất và tâm huyết nhất là liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân. Yêu cầu của các chính sách của Chính phủ hiện nay, đặc biệt là sự tham mưu của ngành nông nghiệp để nông dân có cơ hội sản xuất tốt, tiêu thụ tốt và xuất khẩu tốt. Còn một vấn đề nữa là đổi mới mô hình trồng cây công nghiệp trong biến đổi khí hậu thế này”.

Nhiều cử tri của tỉnh Lào Cai bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân. Ông Trần Xuân Long, cử tri phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nêu ý kiến: “Về cơ bản Bộ trưởng đã trả lời theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tuy nhiên về một số nội dung, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân thì bản thân tôi thấy Bộ trưởng chưa đưa ra được những giải pháp mang tính bền vững cho nông dân. Cụ thể như tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn xảy ra, cụ thể như đối với những mặt hàng như dưa hấu, hành khô trong những tháng đầu năm 2015. Tôi mong muốn rằng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những giải pháp lâu dài hơn để giải quyết những khó khăn trong sản xuất của người nông dân.

Ông Lê Văn Đại ở khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nêu ý kiến: “Nước ta là nước nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây rất nhiều, nhưng lại nhập trái cây từ Trung Quốc quá nhiều. Lượng trái cây nhập nhiều cung vượt quá cầu nên rớt giá là tất nhiên. Hay như bắp, đậu nành nước ta cũng có mà chúng ta lại phải nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là vấn đề chúng ta cần phải xem lại”.

Huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, các địa phương ở tỉnh Sơn La đã cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu của chương trình. Tuy nhiên, đối với các địa phương miền núi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới rất khó khăn.

Cử tri Sùng Chờ Nó, dân tộc Mông, Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu bày tỏ: “Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, sắt thép, còn lại nhân dân phải đóng góp rất nhiều. Mà dân của chúng ta thì nghèo, không có khả năng góp vốn để xây dựng nông thôn mới được. Cho nên những bản gần đường ô tô mới làm được. Còn những bản xa đường ô tô từ trên 10 km thì xã không thực hiện được. Mong muốn của bà con là Đảng, Nhà nước hỗ trợ thêm vốn cho xây dựng nông thôn mới, vì hiện nay hộ nghèo chúng ta rất nhiều, nên dân không đủ điều kiện để góp vốn xây dựng nông thôn mới”.

Tỉnh Lai Châu có trên 90% dân số sinh sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sáng nay 11/6, nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri, đặc biệt là bà con nông dân vùng quy hoạch trồng cây cao su tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên và Nậm Nhùn.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã trồng được 13.000 héc ta cao su, với gần 10.000 hộ dân góp đất và đã có gần 4.000 lao động người địa phương được tuyển vào làm công nhân các công ty.

Cử tri Mào Văn Thót, ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ cho biết: Kể từ khi thực hiện góp đất trồng cao su, gia đình ông đã có 2 người được nhận vào làm công nhân. Tuy nhiên, sau 4 năm góp đất thì thu nhập của công nhân rất thấp, do cây cao su đã khép tán và gia đình cũng không trồng xen được thêm cây hoa màu.

Ông Mào Văn Thót nói: “Để trồng cây cao su theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi rất vui mừng vì được nhận vào làm công nhân cây cao su. Tuy nhiên, cây cao su đang trong thời gian trồng và chăm sóc, diện tích đất của gia đình tôi đã góp thì phải 3, 4 năm nữa mới cho thu hoạch nên trong thời gian này thì đời sống của bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi kiến nghị với Bộ trưởng nghiên cứu, ban hành thêm chính sách để hỗ trợ người dân góp đất như chúng tôi và đầu tư thêm cơ sở hạ tầng trong vùng trồng cây cao su, để đời sống người dân ổn định hơn, yên tâm hơn khi góp đất”./.