Nông dân khó biết thật giả, trong hay ngoài danh mục

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngvề một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vậttrình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8 cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); bổ sung quy định chế tài xử lý đối với người sử dụng thuốc sai quy định, lạm dụng thuốc BVTV.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật mới đã bổ sung quy định về điều kiện được sử dụng thuốc BVTV; nghĩa vụ của chủ thực vật trong sử dụng thuốc, nghĩa vụ của người sử dụng thuốc; bổ sung quy định cấm các hành vi sử dụng thuốc trái quy định của luật này, hành vi sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cấm, thuốc BVTV giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không có trong danh mục được phép sử dụng.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc, thực tế hầu hết thuốc BVTV sử dụng ở nước ta là nhập ngoại.Vai trò của doanh nghiệp là chính khi trực tiếp cung cấp thuốc cho người dân. Nhưng dự thảo Luật chưa cho thấy rõ việc xử lý đối tượng cung cấp thuốc gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi lại có quy định xử phạt người nông dân sử dụng sai là chưa hợp lý.

Theo ông Phúc, trước hết phải xử lý doanh nghiệp khi cung cấp thuốc sai, thuốc không đảm bảo.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai cho rằng, người nông dân khó có khả năng phân biệt thuốc thật thuốc giả, cũng như nắm rõ hàng ngàn loại thuốc (chủ yếu tên nước ngoài) theo danh mục.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Ksor Phước đề nghị nên quy định rõ việc cố tình sử dụng sai thuốc thì mới bị phạt. Còn nếu là trách nhiệm của doanh nghiệp, của người cung cấp thì xử lý người đó, doanh nghiệp đó.

Thêm cấp xã sẽ gây cồng kềnh?

Hệ thống cơ quan chuyên ngành về BV&KDTV đã được quy định trong Pháp lệnh BV&KDTV từ năm 1993. Đến nay, hệ thống này đã được hình thành ổn định từ Trung ương tới cấp huyện. Theo đó, ở Trung ương là Cục Bảo vệ thực vật (BVTV); cấp tỉnh là Chi cục BVTV trực thuộc Sở NN&PTNT, cấp huyện là các trạm BVTV trực thuộc Chi cục BVTV. Đồng thời, theo vùng sinh thái đã hình thành được 9 chi cục KDTV vùng và 04 trung tâm BVTV trực thuộc Cục BVTV.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng cho rằng,với diện tích cây trồng tăng mạnh, gấp hơn 6 lần so với năm 1993; diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp; lượng hàng hóa thuộc diện KDTV xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng lớn thì tổ chức hệ thống cơ quan này cần được kiện toàn, đặc biệt ở cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì vậy, dự thảo Luật quy định theo hướng: hệ thống cơ quan BV&KDTV được tổ chức từ trung ương đến địa phương, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức hệ thống cơ quan này trên cơ sở rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống tổ chức hiện có cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về BV&KDTV.

Về bố trí cán bộ phụ trách về BVTV ở cấp xã,Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho rằng đối với các xã có tỷ trọng nông nghiệp lớn, cần thiết phải tăng cường nhân lực chuyên môn ở cấp xã cho công tác này. Theo cơ cấu hiện hành, nhân lực chuyên môn ở cấp xã hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quyết định về số lượng và việc tổ chức thực hiện của UBND cấp xã.

Có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổ chức bộ máy tới tận cấp xã sẽ cồng kềnh, biên chế lớn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu, trong tất cả các tỉnh thành và 11.000 xã không phải lúc nào cũng xảy ra diễn biến dịch phức tạp nên không cần thiết phải hành chính hóa tới cấp xã. Nên chăng khuyến khích các trung tâm vùng phát triển dịch vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ý kiến chco rằng, khi xảy ra dịch thì cho dù xã có 2 đến 3 người chuyên trách cũng không giải quyết được nhiều vấn đề. Do đó, nên phát huy vai trò trung tâm cấp vùng./.