“Bộ máy chính quyền địa phương phải tinh gọn, thông suốt và có hiệu lực; cần có sự phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu và các thành viên trong Ủy ban nhân dân”. Đó là góp ý chung của các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo về Luật tổ chức chính quyền địa phương diễn ra sáng nay (16/10), do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức.

hoi_thao_xuqu.jpgNguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài phát biểu tại hội thảo

Theo các đại biểu, dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương cần xác định cụ thể loại đơn vị hành chính nào là nông thôn, đô thị, hải đảo, gắn với tính chất, đặc điểm để từ đó quy định tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp. Luật cũng phải quy định rõ những việc thuộc thẩm quyền của Trung ương hay của địa phương, có cơ chế kiểm soát, phân định trách nhiệm rõ ràng theo hướng một việc chỉ một cơ quan hoặc một cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.

Nhiều ý kiến đề nghị xây dựng chính quyền đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình chính quyền hai cấp: cấp thành phố và cấp cơ sở, cả hai đều có tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Ngoài ra, các đại biểu cho rằng có một số nội dung cơ bản, dự thảo luật không xác định dứt khoát mà để hai phương án song song để thảo luận, do đó sẽ khó thông qua.

Ông Diệp Vân Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ nội vụ, Chủ nhiệm Chi hội quản lý hành chính thuộc Hiệp hội tư vấn TP HCM cho rằng: “Xu thế hiện nay là tính tự quản của chính quyền địa phương rất mạnh, nên các quy định cần “cởi trói” cho chính quyền địa phương phát triển. Luật phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể, giao cho người đứng đầu địa phương một số quyền nhất định và phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái, không hiệu quả. Cần phân cấp rõ cái gì địa phương được toàn quyền làm, không được làm hoặc phải hỏi ý kiến Trung ương. Đó là những vấn đề chính mà Luật phải giải quyết”./.