Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều 1/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Các đại biểu nhận định, việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất cần thiết, nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.

Một trong những điểm mới của Hiến pháp là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội”. So với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng hơn phạm vi và đối tượng giám sát.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần xác định cụ thể đối tượng và nội dung giám sát cũng như giá trị pháp lý của kết luận giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo sự nặng nề, trùng lắp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Về hình thức giám sát, tôi đề nghị cân nhắc. Nếu chúng ta quy định hình thức tổ chức đoàn giám sát thì sẽ hành chính hóa và nhà nước hóa hoạt động giám sát của Mặt trận. Mặt trận giám sát phải khác, không phải như đoàn giám sát của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân mà là giám sát qua nhân dân, qua các tổ chức của Mặt trận bằng nhiều hình thức, đi vào đời sống”.

Trước đó, trong phiên làm việc sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10 năm 2013 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí báo cáo đánh giá của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, báo cáo cần hoàn thành theo hướng bám sát 3 vấn đề trọng tâm trong tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, tránh đánh giá giống như báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội.

Báo cáo cũng cần đi sâu đánh giá từ khâu ban hành chính sách đến chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả thực hiện; những việc chưa làm được và nguyên nhân. Đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu trong thời gian tới. Mục tiêu nhiệm vụ đó cũng phải gắn với trách nhiệm thực hiện của các ngành, các cấp làm cơ sở đánh giá tiếp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, qua giám sát cần đánh giá trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, cơ quan, các bộ, ngành, Chính phủ và cả Quốc hội để rút kinh nghiệm, hoàn thiện những mô hình đem lại hiệu quả thực chất hơn./.