Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6; số lượng cấp phó của Tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.

Quy định thì phải thực hiện nghiêm

Ở góc độ khác, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nhấn mạnh, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải có hệ thống luật chặt chẽ, tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được. Nhưng có thực tế khi quy định một đường, thực hiện lại một nẻo mà biểu hiện như tình trạng “lạm cấp Phó”.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương)

“Theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định Sở không quá 3 Phó Giám đốc nhưng hiện có tới 4, 5. Khi có ý kiến thì họ nói Trung ương quy định không quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế có 6,7. Nói theo sách nhưng khi làm thì vận dụng. Luật đúng nhưng làm không nghiêm, trên sai một ly dưới đi một dặm và nếu không khắc phục thì “nhờn” pháp luật xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu nêu ý kiến, để xây dựng bộ máy hành chính mạnh thì cần đề cao vai trò người đứng đầu, góp phần tinh giản biên chế. Nhưng việc tinh giản cũng phải từ Trung ương đến địa phương, hạn chế cấp phó một cách tối đa, kể cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

“Có nước dân số đông hơn ta rất nhiều nhung chỉ có Tổng thống và một Phó Tổng thống. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa đứng đầu Chính phủ. Trọng trách lớn như vậy và có một phó mà vẫn làm tốt. Việt Nam ta cứ giảm đi 1/3 cấp Phó thì bộ máy vận hành tốt hơn, năng lực trình độ người đứng đầu Bộ ngành cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy cao hơn”, đại biểu nêu quan điểm.

Quy định cấp phó phải do Quốc hội quyết

Cơ bản nhất trí với quy định số lượng cấp Phó trong luật, nhưng đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị cân nhắc quy định mềm số lượng Phó của Bộ Ngoại giao để phù hợp với nhiệm vụ đối ngoại.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng bày tỏ chia sẻ với Chính phủ “vì chúng ta họp quá nhiều, phải có cấp phó để đi họp, nếu không cũng gay. Nhưng việc quy định cứng là cần thiết”.

nguyen_ba_thuyen_oolc.jpg
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền

Tuy nhiên, việc dự luật đưa ra khung cứng số lượng Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ nhưng thòng một câu: “Trong trường hợp đặc biệt do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tăng số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”, theo đại biểu là không nên.

Đại biểu đề nghị bỏ câu này vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nên không quy định để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết. Nếu có quy định mềm cũng phải thiết kế rõ ràng trong luật.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nêu ý kiến cho rằng, Thứ trưởng phải nắm được vấn đề toàn bộ ngành, còn chuyên sâu phân quyền mạnh cho Tổng cục, Cục, Vụ quyết định và tự chịu trách nhiệm.

“Có những cuộc họp cấp thấp không được tham gia, trong khi Cục trưởng, Vụ trưởng mới nắm được. Có những văn bản chậm triển khai vì cứ nằm trên bàn Thứ trưởng, Phó thủ tưởng cơ quan ngang bộ vì người này còn bận đi công tác, người ở nhà thì không phụ trách. Vì vậy, đề nghị phải nâng vai trò quản lý của Thứ trưởng và Phó thủ trưởng”, đại biểu nói./.