Thảo luận tại hội trường về xây dựng nông thôn mới sáng 27/7, các đại biểu đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã tạo ra những kết quả toàn diện, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.
Căn bệnh chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long, để triển khai chương trình nông thôn mới đảm bảo tính liên tục, liền mạch, việc lãnh đạo xây dựng và triển khai các nội dung giải pháp trong giai đoạn mới phải vừa hướng đến tiêu chí cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các tiêu chí của giai đoạn vừa qua, như xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản, mà nguyên căn của nó là căn bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương.
“Song song đó, cần tiếp tục phát huy tính tự giác, tự nguyện của nhân dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt phương châm “lấy hoa thơm cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu” kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên, khích lệ người dân hăng hái chủ động hiến kế, hiến công, mạnh dạn góp ý và đồng hành cùng với chính quyền ngay từ khâu quy hoạch, xây dựng nông thôn mới đến việc lựa chọn các tiêu chí cần ưu tiên thực hiện trước mắt và dài hạn”, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh.
Nữ đại biểu cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phân cấp, sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải cào bằng, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.
“Trước mắt ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực kịp thời để các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầu tư rà soát quy hoạch thủy lợi xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp; Có đủ nguồn vốn đầu tư xử lý ngay những đoạn sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình phi công trình để chủ động lấy nước, trữ nước”, nữ đại biểu đoàn Vĩnh Long kiến nghị.
Vấn đề sạt lở không thể xử lý theo kiểu “đau đâu, trị đó”
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn An Giang cho biết, biến đổi khí hậu luôn khiến cho sản xuất nông nghiệp thường xuyên bấp bênh, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng.
Bước vào mùa mưa, người dân ĐBSCL, trong đó có tỉnh An Giang tiếp tục canh cánh nỗi lo về tình hình sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng cả về quy mô, tần suất không chỉ diễn ra vào mùa mưa mà cả mùa khô, dưới mức độ ngày càng nguy hiểm.
“Người dân ở khu vực ĐBSCL khi bị sạt lở, chia sẻ “Nếu nhà cháy thì còn đất để cất nhà, nhưng rơi vào hoàn cảnh sạt lở thì mất cả nhà lẫn đất. Đôi khi còn thiệt hại cả về tính mạng”. Không có đất, người dân bỗng chốc rơi vào tình cảnh hết sức gian nan. Các tỉnh ĐBSCL, trong đó có An Giang đều là các tỉnh khó khăn, trong khi đó vấn đề sạt lở không thể xử lý theo kiểu “đau đâu, trị đó”, mà cần phải tính toán câu chuyện lâu dài”, đại biểu đoàn An Giang bày tỏ.
Nông dân bán được hàng, được giá nhờ công nghệ
Nhiều đại biểu đánh giá, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngoài sự đồng lòng nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã làm thay đổi nhận thức, tập quán, sản xuất truyền thống của người dân.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn cho biết, nhiều sản phẩm nông lâm sản chủ lực của địa phương đã được phát triển thành tài sản trí tuệ, được quản lý, khai thác, phát triển thành hàng hóa và từ đó phát huy được danh tiếng uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hóa ở địa phương.
“Nhiều hộ dân đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các hoạt động kết nối cung cầu để tiêu thụ nông lâm sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm”, đại biểu Lưu Bá Mạc cho hay.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn Kiên Giang cũng cho rằng, chính nhờ công nghệ thông tin - truyền thông mà người nông dân của chúng ta có thể cập nhật được dự báo thời tiết, biết được nên trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao, biết được cách trồng, cách nuôi như thế nào để đạt được năng suất và bán vào thời điểm nào, ở đâu để được giá. Người nông dân có thể thông qua mạng internet để bán hàng đến tận tay người dân.
“Rõ ràng nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như thế này, chính nhờ công nghệ thông tin mà ở vùng sâu, vùng xa, người dân cập nhật được diễn biến tình hình để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan và cũng nhờ đó trẻ em vùng sâu, vùng xa không đến trường nhưng không dừng học”, nữ đại biểu đoàn Kiên Giang cho hay.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng đề nghị Chính Phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông. Cùng với đó, ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ…/.