Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua là kỳ họp đặc biệt, trong yêu cầu của phòng chống dịch Covid-19, nên kỳ họp diễn ra trong hai đợt: đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung. Tại phiên họp 46, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao cách thức tiến hành kỳ họp lần này thể hiện sự thích ứng, mở ra hướng đổi mới cho một Quốc hội điện tử, chuyên nghiệp hơn. 

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV để lại nhiều ấn tượng với cử tri. Theo bà Đỗ Ngọc Liên (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ấn tượng đầu tiên là cách thức tiến hành kỳ họp. Dù họp trực tuyến nhưng có cảm giấc như các đại biểu đang họp tập trung như các kì họp trước. Số lượng các đại biểu vẫn đảm bảo và không khí tranh luận trực tuyến sôi nổi không kém các kỳ họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng.

ap.jpg

Bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Ấn tượng thứ 2 là các nội dung được nêu lên được Quốc hội thảo luận gắn với nhiều vấn đề dân sinh chịu tác động của Covid-19.

"Cái hay lớn nhất là các kỳ họp trực tuyến sẽ giảm được lượng người tập trung vào một thời gian họp. Như thế là gián tiếp tiết kiệm cho Nhà nước. Các đại biểu kịp thời đưa ra biện pháp để cải thiện đời sống của người dân. Nhưng tôi đề nghị khi mình đã đưa ra các vấn đề thì cần làm cho sát sao, giải quyết vấn đề." - Bà Đỗ Ngọc Liên cho biết.

Bà Hoàng Lệ Dung (huyện Đông Anh, Hà Nội) quan tâm đến vấn đề nhân sự trong Đại hội Đảng lần thứ XIII: "Chúng tôi mừng nhất là trong Quốc hội bàn đến một số vấn đề về chuẩn bị cho Đại hội Đảng tới, lựa chọn ra các cán bộ có tâm, có tài, uy tín để xây dựng một đất nước phát triển".

Đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch, song ông Nguyễn Văn Tâm (phường Kim Tân, TP Lào Cai) vẫn mong muốn: "Dưới sự sâu sát, quyết liệt chúng ta thấy được đất nước ngày càng phát triển. Song bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề nhân dân quan tâm như các dự án "đắp chiếu" cần phải giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện cho đất nước phát triển hơn".

Là doanh nghiệp có quan hệ hợp tác làm ăn với Liên minh châu Âu EU trong 20 năm qua, ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, TP Đà Nẵng) cho biết: Ông rất vui mừng khi Quốc hội phê chuẩn thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU. Bởi theo ông Lĩnh, việc làm này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Trong những cơ hội và thách thứ đan xen, ông Trần Văn Lĩnh đề nghị sớm có thêm các cơ chế cho doanh nghiệp. 

Kỳ họp Quốc hội lần này với cách thức họp trực tuyến, Quốc hội đã thể hiện sự thích ứng linh hoạt trước yêu cầu phòng chống dịch. Cử tri mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động để các quyết sách được thực thi nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp với việc thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác, giám sát 1 chuyên đề và xem xét các báo cáo về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước...

Về cách thức tiến hành kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: Chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, phù hợp với tính chất từng nội dung. Với những hiệu quả thấy rõ từ kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm VP Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: "Đây là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cách thức các kỳ họp trong thời gian tới".

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu chia sẻ: "Việc tổ chức họp trực tuyến rất phù hợp, giảm được kinh phí và hiệu quả vẫn tốt. Điều quan trọng hơn nữa là các đồng chí lãnh đạo địa phương vẫn có thể bám sát, điều hành các công việc tại địa phương".

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đồng tình với các đánh giá này: "Kỳ họp thứ 9 thể hiện sự minh bạch, giám sát của người dân tốt hơn rất nhiều. Đây là một kỳ họp quan trọng, trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 như vậy, đây là một quyết định sáng tạo, rất hợp lý".

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp ấn tượng với nhiều đổi mới. Trong bối cảnh nghị viện quốc hội nhiều nước còn chưa thể tổ chức họp vì diễn biến dịch bệnh khó lường, thì lãnh đạo Quốc hội nước ta đã quyết liệt, dũng cảm họp theo phương thức trực tuyến. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đây là bước tiến quan trọng trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, cũng như sự chủ động linh hoạt trong chỉ đạo điều hành. Do đó, cần tiếp tục phát huy cách thức tổ chức kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cùng đồng tình với phương thức họp trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Cần tiếp tục nâng cao các phần mềm, để các đại biểu dễ thao tác. Nhất là mở thêm các cửa sổ để tra cứu tài liệu dễ dàng hơn.

Để giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút thảo luận và 3 phút tranh luận như hiện hành xuống còn 5 phút thảo luận và 2 phút tranh luận như đề nghị của một số Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tôi đề nghị trong phiên trù bị chúng ta xin ý kiến đại biểu Quốc hội luôn, hoặc trước đó xin ý kiến qua máy. Sự phối hợp của Chính phủ và Quốc hội rất tốt, chúng ta cần tiếp tục phát huy".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thay đổi, tác động đến nhiều vấn đề xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi. Việc chuyển đổi cách thức họp Quốc hội sang họp trực tuyến là một bước tiến linh hoạt, vừa tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu, đồng thời nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Với những hiệu quả thấy rõ từ Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quyết định tiếp tục áp dụng phương thức họp trực tuyến kết hợp tập trung tại Kỳ họp thứ 10 tới, tạo tiền đề nghiên cứu cải tiến cách thức tiến hành các kỳ họp của Quốc hội./.