Gần đây có chuyện một số đối tượng giả làm Thứ trưởng Bộ Y tế, rồi giả là con Bí thư Hà Nội đi lừa hàng trăm triệu đến tiền tỉ. Những vụ việc này nói lên điều gì trong xã hội hiện nay? Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, VOV.VN phỏng vấn đại biểu Quốc hội, lý giải nguyên nhân có câu chuyện này.

le_nhu_tien_24_10_exxu.jpg

Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Thực tế cũng đã có chuyện nhờ vả quen biết để chạy việc, chạy đầu tư…”

Thực tế này nói lên hai việc,về phía người dân, người bị hại là rất ngây thơ tin rằng ông này bà kia, con người này người kia có thể dễ dàng giúp đỡ tạo điều kiện lợi ích để họ có thể nhờ vả.

Nhưng ở góc độ khác thì rõ ràng trong xã hội đã có tâm lý có thể nhờ ông nọ bà kia, hay con cái của người có chức vụ cao thì chắc chắn có thể giúp được việc bổ nhiệm, đề bạt rồi đến thi tuyển, xin suất đầu tư…

Đó là tiếng chuông cảnh báo và bản thân các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng phải nghiêm khắc với con cái mình để những trường hợp lợi dụng như thế này không thể xảy ra.

Cái chính ở đây vẫn là lợi dụng địa vị, chức quyền, vị trí trong cơ quan công quyền của một số đồng chí lãnh đạo mà những người căn cứ vào đó lợi dụng. Tuy nhiên phải thừa nhận trong thực tế cũng đã có chuyện nhờ vả quen biết để chạy việc, chạy đầu tư, nhờ việc này việc kia nên mới tạo trong dư luận suy nghĩ này và họ làm theo như vậy.

Thời gian qua, chúng ta đã quyết tâm trong cả hệ thống chính trị, không thiếu văn bản pháp lý được ban hành (Luật phòng chống tham nhũng, quản lý công chức, quản lý vốn và tài sản… cùng với nhiều tổ chức như Ban phòng chống tham nhũng, nội chính…) nếu có thiếu thì chỉ là sự quyết tâm thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhưng phải nói thật rằng tại các cơ quan, đơn vị khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì đôi khi lại có tác dụng ngược lại là bao che, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, rồi không muốn đơn vị xảy ra chuyện. Từ đó có chuyện lấp liếm, bao che cho kín đáo, thậm chí làm xiếc với những con số cho phù hợp.

Tôi cho rằng muốn chống tham nhũng phải làm rất rõ việc minh bạch tài sản và nghĩa vụ giải trình. Nghĩa vụ giải trình mà không làm được tốt thì thuộc trách nhiệm người đứng đầu.

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Lòng tin pháp lý của người dân chưa rõ ràng…”.

Hiện tượng này nói đến một vấn đề, hình như lòng tin của người dân đối với pháp lý chưa rõ ràng cho nên họ suy nghĩ cứ có ai giúp mình được thì họ sẽ làm.

Khi lòng tin của người dân dành cho những người giả danh nhiều như vậy phần nào cũng đang thể hiện pháp luật của chúng ta chưa thực sự nghiêm minh. Nghe rằng người này, người kia có thể giúp được mình việc gì đó thành ra là buông tiền. Chính vì như vậy nên mới có những người lợi dụng lòng tin của người kia và rất dễ bị lừa gạt.

Trong khi đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều câu chuyện về sự lừa gạt nhưng người dân vẫn đặt niềm tin vào những người mà mình còn chưa từng gặp bao giờ mà chỉ nghe nói.

Lòng tin vào pháp luật vốn đã bị giảm sút, trong khi người dân lại nghe được nhiều những câu chuyện ngay bên cạnh mình về sự “xin – cho” và rồi có thể nhờ vả, tin rằng bỏ tiền có thể nhờ được việc cho mình. Điều này một phần đang phản ánh có tình trạng như thế trong thực tế rồi thì dân mới tin đến vậy, mặt khác thì thấy rằng dân còn mơ hồ về pháp luật.

Qua đây, cũng cần phải nhìn nhận về sự gương mẫu của các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền. Có những người chưa thực sự tiêu biểu nên người dân mới nghi ngờ và đi theo con đường này.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): “Những chiêu trò này từng có hiệu quả trong đời sống xã hội”

Sự việc xảy ra đang nói lên rất nhiều điều. Thứ nhất, có thể người dân còn ngờ nghệch khờ khạo dễ bị lừa. Tuy nhiên điều này phần nào nó cũng đang phản ánh một sự thực là những thứ danh mà người ta mang đi để lừa thì có lẽ trong đời sống có thật từ việc chạy việc, chạy chức chạy quyền, đến hàng loạt những hành vi hối lộ trong đời sống thực từ chữa bệnh cho đến giao thông thì việc “lót tay” có hiệu quả…  Nhất là hiện nay những chiêu trò tinh vi thì người dân càng dễ tin hơn. Xưa người ta nhìn vào con dấu nhưng bây giờ con dấu thì quá đơn giản để người ta có thể làm giả.

Sự dễ dàng của người dân như vậy đúng là phần nào đang phản ánh hiện trạng tham nhũng trong các cơ quan công quyền, những chiêu trò này từng có hiệu quả trong đời sống xã hội và chưa bị lên án một cách quyết liệt.

Với người dân cách tham gia tốt nhất là không tạo cơ hội để người ta tham nhũng, không tiếp tay. Nếu người dân vẫn nghĩ rằng đồng tiền có thể thực hiện được mong muốn của mình như vậy sẽ sinh ra một bộ phận chuyên nhận tiền như thế. Mặt khác, để công tác này hiệu quả thì một nguyên tắc phải làm được đó là làm thế nào để họ không thể tham nhũng được, không thiết tham nhũng nữa. Điều này chúng ta vẫn chưa làm được./.