Nhấn mạnh kinh tế phát triển trong cơ chế thị tường thì căn bản là minh bạch sở hữu, bình đẳng quyền lợi, không phân biệt đối xử, quyền hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế được đảm bảo, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp.

Vị đại biểu này phân tích, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế chính là điều thiết thực để khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó hoàn thiện thể chế về tư pháp là tạo cơ hội đầu tư kinh doanh, hiệp định được thực thi hiệu quả.

nguyen_van_chien_fsaz.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến

“Ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là sự điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình” – ông Nguyễn Văn Chiến dẫn chứng khi cho rằng có những quy định cứng, thiếu định lượng như đổi ngoại tệ không đúng nơi được phép sẽ bị phạt nhưng “ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi hay không được đổi hay chưa”.

Cũng từ sự việc trên, vị luật sư này nêu thực tế nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn nhiều thì trước hết trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Chiến cũng đề nghị xem xét lại mức phạt, vì đổi 10 USD, 100 USD hay cả nghìn USD cũng bị chung mức phạt là không phù hợp.

“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu. Thị trường buôn bán, đổi “ngoại tệ đen” còn công khai, hầu như không bị kiểm soát thì Nhà nước cần dẹp trước để người dân không bị phạt như anh thợ điện” – ông Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế cần phải tăng đầu tư, không chỉ từ NSNN, vốn vay nước ngoài mà cần huy động nội lực, nguồn vốn trong dân.

Thực tế lâu nay tìm cách phát triển nền kinh tế, ta nghĩ đến những khoản đầu tư ODA, FDI hay các khoản vay trái phiếu Chính phủ... để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Gần đây, chúng ta quan tâm khai phóng nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích người dân đầu tư.

“Nhưng tại sao hành lang pháp lý đã có, nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính trong kinh doanh nhưng người dân chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư?” – ông Chiến đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ có giải pháp và giải pháp nào cũng phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân phải song hành với hoàn thiện tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng cho rằng ở trên thì Quốc hội và Chính phủ đang tích cực hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực thi, ở dưới người dân mong đợi sự cải cách, đổi mới, quyền lợi hợp pháp được bảo đảm, nhưng ở giữa thì một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan Nhà nước vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân, không coi người dân là mục tiêu phục vụ trong công tác của mình.

“Phải coi công tác tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy phát triển kinh tế. Mắt xích tư pháp mà yếu thì kìm hãm việc thực hiện giải pháp chung của nền kinh tế đất nước” – luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh khi kết thúc phần phát biểu trước Quốc hội./.

Bên hành lang Quốc hội ngày 26/10, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau khi có thông tin vụ người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD và bị phạt 90 triệu đồng, ông đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc.

"Sau quá trình này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phía Nam sẽ tư vấn cho UBND thành phố Cần Thơ hướng xử lý phù hợp", ông nói.

Thống đốc Hưng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. "Việc phân loại mức vi phạm cũng là một cách khi sửa nghị định này", ông nói.