Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Mohammad Hamid Ansarin, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Sumitra Mahajan; Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viên Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, từ 8-14/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

vov_anh_37_yeig.jpg
Tổng thư kí Hạ viện Ấn Độ Anoop Mishra, Giám đốc Ban lễ tân Hạ viện Ấn Độ Prabhat Koul và một số cán bộ Quốc hội Ấn Độ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay quân sự Palam, New Dehli
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội từ 8-11/12 là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao sau khi Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Sự chân thành, ấm cúng, thân tình và cởi mở là không khí của các buổi hội đàm, tiếp xúc song phương giữa Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam với các lãnh đạo Hạ viện, Thượng viện, các đảng ở Ấn Độ.

Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma cho rằng, dù Ấn Độ có rất nhiều chính Đảng khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là ủng hộ Việt Nam, ủng hộ hợp tác giữa hai nước. Đây là điều rất đáng trân trọng.

Một trong những cuộc gặp quan trọng của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Ấn Độ là cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện, bà Sumitra Mahajan, tại Nhà Quốc hội Ấn Độ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan tại Nhà Quốc hội Ấn Độ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trước đây, Quốc hội hai nước đã có quan hệ hợp tác, nhưng chưa thường xuyên. Thỏa thuận hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng bởi, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ chưa bao giờ ký trực tiếp các thỏa thuận với Quốc hội các nước, mà giao cho Tổng Thư ký thực hiện.

“Tại buổi hội đàm này, hai Chủ tịch và các quan chức của Ấn Độ chứng kiến lễ ký Hiệp định về Phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; chứng kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Dịch vụ năng lượng Nhà nước của Ấn Độ hợp tác về phát triển điện. Ấn Độ đã có công nghệ rất cao, sản xuất ra những thiết bị tiết kiệm điện. Nếu Việt Nam hợp tác tốt sẽ có khả năng tiếp cận nguồn năng lượng rất quan trọng này. Hai Chủ tịch cũng chứng kiến Hãng Hàng không Vietjet Air ký hợp tác với Hãng Hàng không Ấn Độ, dự kiến mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Ấn Độ từ năm 2017”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Pranab Mukherjee
Tại cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Tổng thống Pranab Mukherjee, Tổng thống Ấn Độ đặt ra vấn đề xử lý những bất đồng ở biển Đông, cho rằng, các bên phải thực hiện biện pháp hòa bình, giữ môi trường hòa bình để cùng nhau phát triển. Khi có tranh chấp, không dùng bạo lực, dùng vũ trang hay dùng tư cách nước lớn để áp đặt nước khác, mà phải thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Khuynh hướng, chủ trương của các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang thực hiện chính sách hành động hướng Đông. Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của Ấn Độ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ủng hộ với chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Theo đề xuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp các chính giới tại Ấn Độ, gồm các Bộ trưởng, Thống đốc bang, Thứ trưởng, nghị sĩ, doanh nghiệp.

Tại buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu ra 5 vấn đề lớn để thu hút các nhà đầu tư. Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực đang còn nhiều dư địa phát triển như kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, hay lĩnh vực có tiềm năng rất lớn là nông nghiệp và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, khai thác du lịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, đó là Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

“Ấn Độ là một trong 4 nước mà Việt Nam đã xây dựng Khuôn khổ đối tác chiến lược Toàn diện. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước anh em có truyền thống hữu nghị lâu đời; tình bạn vĩ đại, cao đẹp của nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh tới hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, đào tạo, văn hóa và giao lưu nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Quốc hội hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao cũng như cấp Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ để trao đổi về hợp tác trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11
Một trong những hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công tác này là tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

70 năm Quốc hội Việt Nam mới có Chủ tịch nữ đầu tiên, vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh nữ Chủ tịch Quốc hội trên toàn thế giới lần thứ 11 là lần đầu tiên Việt Nam tham dự.

Tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cùng 5 nữ Chủ tịch Quốc hội khác chủ trì phiên thứ 3 về Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng.

“Tôi xin nhấn mạnh, để đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh, ngoài việc đảm bảo hòa bình an ninh, các nhà lập pháp của chúng ta phải thúc đẩy việc thực thi pháp luật quốc tế và giải quyết sự tranh chấp xung đột của các bên bằng biện pháp hòa bình. Với những vấn đề lớn chúng ta đã đề cập, tôi cho rằng phụ nữ là chủ thể quan trọng vì tri thức, năng lực của phụ nữ là nguồn lực quý giá, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường ở bất kỳ một quốc gia nào”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị
Sau hai ngày thảo luận, các đại biểu đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung - Tuyên bố Abu Dhabi. Tại tuyên bố này, các Nữ Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất cùng đoàn kết để định hình tương lai, thông qua cam kết hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội nói chung để giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó có nội dung góp ý bảo đảm về hòa bình và an ninh.

“Liên quan vấn đề về tranh chấp lãnh thổ, chúng ta nhấn mạnh đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, nhưng tư tưởng chủ đạo là phải thực hiện theo biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Nước chủ nhà và các thành viên rất hoan nghênh và đưa vào Tuyên bố Abu Dhabi”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Mặc dù chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh rất dày đặc, nhưng theo thông lệ, một số nước cũng đề xuất gặp gỡ song phương. Tại UEA, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp bà Sheikha Lubna Al Qasimi, Bộ trưởng, Quốc vụ khanh, phụ trách khoan dung, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang UAE
Với Chủ tịch Quốc hội UAE, rất bận rộn nhưng cũng ưu tiên dành gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam. Bạn đánh giá rất cao Việt Nam đóng góp vào các phiên thảo luận, đặc biệt là tuyên bố chung và sự thành công của hội nghị.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Phần Lan để bàn về những vấn đề mà 2 nước quan tâm. Đặc biệt, Phần Lan đánh giá, với điều kiện của mỗi nước hiện nay đều tiết kiệm trong chi tiêu, nhưng vốn ODA dành cho Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam có nhiều đóng góp chung, như có chương trình về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ rất thành công để tạo lòng tin lớn cho bạn bè, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác.

Với Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới, cả hai ông đều cho rằng, những việc mà Việt Nam đã làm tại Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 đã để lại những ấn tượng sâu đậm với các nhà lãnh đạo Liên minh Nghị viện Thế giới cũng như lãnh đạo các nghị viện thế giới.

Có thể nói chuyến thăm chính thức Ấn Độ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác song phương, đa phương trên thế giới./.