Sáng 16/8, tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng đặt vấn đề ở Hà Nội đã có chủ trương chuyển trụ sở các bộ ngành, bệnh viện, trường học ở nội đô ra ngoại thành đã và đang được xử lý ra sao, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng các đô thị, nhất là Hà Nội và TPHCM có nội dung di dời một số cơ sở ra khỏi vùng nội thành, nhất là trung tâm.

pham_hong_ha_1_xqdq.jpg
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Riêng với Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ đã trình Chính phủ phương án di dời một số trụ sở cơ quan ở Hà Nội. Theo rà soát có 13 cơ quan Nhà  nước ở nội đô phải di dời ra Mễ trì và Tây Hồ Tây. Các phướng án đã được tính toán rồi nhưng nguồn lực rất khó.

Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng cho biết sẽ trao đổi với Hà Nội và báo cáo Chính phủ về phương án địa điểm mới đủ điều kiện đảm bảo phục vụ cơ quan nhưng không cần lắm vị trí có điều kiện sinh lợi quá cao.

“Tiến độ hiện nay rất chậm vì bố trí đất di dời cũng không đơn giản, các địa phương phải nghiên cứu. Các bộ ngành liên quan chưa có quy hoạch đề án cụ thể về số lượng đơn vị di dời, ra chỗ nào, tài chính di dời... Đặc biệt là nguồn lực rất thiếu” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết và nhấn mạnh không thể dùng đầu tư công cho việc di dời trụ sở, trừ trường hợp rất đặc biệt theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ dùng ngân sách Nhà nước.

Ông Phạm Hồng Hà cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính được giao xây dựng cơ chế khuyến khích, cơ chế sử dụng đất để tạo nguồn lực từ xã hội hoá./.