Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, về 19 điều đảng viên không được làm, thay cho Quy định số 47-QĐ/TW (ban hành năm 2011). Tại Điều 9 của Quy định 37 có đề cập đến việc đảng viên không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp.

Đất nước đang cần những người thực sự có trí tuệ

Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết đây không phải là vấn đề mới nhưng đưa vào quy định này đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, làm căn cứ để xử lý.

Cho rằng việc sử dụng bằng cấp giả là việc làm man trá, “dối Đảng, lừa dân”, phản ánh sai bản chất thực của trình độ học vấn, không những vậy, theo đại biểu Lê Thanh Vân, giả về kiến thức mới thực sự là vấn đề đáng nói. Có bằng thật nhưng kiến thức giả, vì thế, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá, quy định chi tiết tình trạng bằng giả hiện nay.

Vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng, sử dụng bằng giả, giấy tờ giả là phạm tội hình sự; giả về kiến thức là rất nguy hiểm; thậm chí có kiến thức nhưng không “tiêu hóa” được thì xét cho cùng cũng là bằng giả. Giả ở đây là chất lượng tri thức, nhận thức không thật.

Trong lúc này, đất nước đang cần những người thực sự có trí tuệ, trí tuệ ở đây theo đại biểu Lê Thanh Vân phải bao hàm 3 yếu tố: khả năng nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, biết đâu là đúng sai; Tích lũy tri thức và vận dụng tri thức vào cuộc sống, vào những tình huống cụ thể.

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu tỉnh Cà Mau cũng dẫn chứng bằng tình hình chống dịch ở nhiều quận, huyện của TP.HCM thời gian qua. Ông cho rằng, cùng một tình huống dịch bệnh phát tán nguy hiểm, cấp bách, nhưng cách thức vận hành ở các quận, huyện của TP.HCM là khác nhau, mang lại kết quả khác nhau. Nguyên nhân chính nằm ở cán bộ lãnh đạo những quận, huyện đó.

“Tôi đánh giá cao lãnh đạo ở Củ Chi, quận 6, 7, người ta có giải pháp an toàn, bởi họ thực sự có trí tuệ: họ biết được giá trị của phương thuốc cổ truyền có khả năng ngăn chặn sự xâm lấn của virus; họ ý thức được việc rèn luyện thể lực góp phần tạo ra kháng thể; rồi họ cũng ý thức được việc tác động tới tinh thần, tâm lý vững chắc để chống lại đại dịch. 3 yếu tố này khiến cho việc phòng vệ của mỗi cơ thể, mỗi cá nhân tốt, hạn chế rủi ro cao. Mặc dù thời điểm đó, tỷ lệ F0 nhiều nhưng tỷ lệ tử vong thấp”, đại biểu tỉnh Cà Mau phân tích.

Cấm “tư duy nhiệm kỳ” để chặn cả những người không đủ năng lực hoạch định chính sách

Về quy định cấm “tư duy nhiệm kỳ” được quy định tại Điều 3 của Quy định 37, có ý kiến cho rằng, rất khó để định lượng, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đặt vấn đề cấm tư duy nhiệm kỳ là nhằm vào 2 nhóm: nhóm không đủ năng lực để hoạch định chính sách và nhóm xây dựng chính sách theo nhiệm kỳ để bảo vệ lợi ích nhóm. Nhóm thứ hai đặc biệt nguy hiểm.

Ở nhóm thứ nhất, theo phân tích của đại biểu tỉnh Cà Mau, có thể thấy, tính ổn định của chính sách tùy thuộc vào chất lượng trí tuệ của lực lượng làm ra chính sách. Lực lượng đó gọi là tinh hoa, ở từng cấp một, khi xây dựng đường lối, hoạch định chính sách cho cả nhiệm kỳ, phải gắn với tầm nhìn xa, rộng và thích hợp với từng giai đoạn. Chiến lược đó phải được kế hoạch hóa, trong đó có gắn với lộ trình thực hiện, có trật tự ưu tiên từ thấp đến cao, gần đến xa, thì chính sách mới ổn định. Nhưng chất lượng trí tuệ của cán bộ hoạch định chính sách nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ khiến chính sách phải thay đổi liên tục, thậm chí có những kế hoạch chưa tồn tại được 1 năm đã phải thay đổi.

Nhóm thứ hai là lợi ích nhóm, mặc dù họ biết việc đó có tầm nhìn xa, lợi ích xa cho dân, cho nước, nhưng người ta không làm. Đã ổn định rồi nhưng vẫn muốn sửa cục bộ, ngắn hạn để phục vụ lợi ích cho họ, giúp họ dễ bề thao túng, trục lợi. Thậm chí, tinh vi hơn, là họ mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa bằng biểu quyết tập thể, đây là điều rất nguy hiểm.

Vì thế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải cấm tư duy nhiệm kỳ là quy định hết sức đúng đắn.

Một điểm rất mới ở Quy định 37 theo đại biểu Lê Thanh Vân chính là cấm “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”, được quy định ở Điều 13, nhằm bảo vệ tính độc lập của các cơ quan tư pháp cũng như các cơ quan thanh tra. Không can thiệp vào hoạt động độc lập trong xét xử chính là không có sự can thiệp của cấp ủy Đảng để bảo đảm tòa án xét xử độc lập, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Việc bảo đảm yếu tố khách quan, một mặt ngăn chặn tình trạng sử dụng ý chí cá nhân để áp đặt; và thứ nữa là chống oan sai; bảo kê, lợi ích nhóm.

“Quy định ở Điều 13 còn giúp bảo vệ tính độc lập trong quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra, ở đây chính là cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong một hệ thống cơ quan được phân công thực hiện các nhánh quyền lực. Ví dụ Thanh tra Chính phủ là cơ quan tiền kiểm soát các sai phạm trong nội bộ hệ thống hành chính. Tính khách quan, tôn trọng quyền thanh tra, kiểm tra của họ chính là bảo đảm yếu tố làm minh bạch, sửa sai, chấn chỉnh từ trước, nhằm ngăn chặn trước vi phạm. Tinh thần đó theo tôi là đúng”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm./.