Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Tại phiên họp thứ 24 (tháng 1/2014), UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Tiếp đó, Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan. Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giao thông đường thủy nội địa.

kenh-cho-gao.jpg
Kênh Chợ Gạo - Tiền Giang - một điểm nóng về giao thông đường thuỷ nội địa (Ảnh GTVT)

Trong phiên làm việc sáng 21/5, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với việc cần phải có các quy định pháp luật đối với một số hoạt động GTĐTNĐ tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa”.

Về đề nghị của một sốĐBQHxem xét phân cấp việc đăng kiểm phương tiện cho UBND cấp tỉnh và tiến tới xã hội hóa công tác này, UBTVQH cho rằng việc phân cấp đăng kiểm cho UBND cấp tỉnh đã và đang thực hiện theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004 của Bộ GTVT. Hiện nay, số lượng phương tiện thuộc diện đăng kiểm đã được phân cấp cho các UBND cấp tỉnh thực hiện chiếm 94,6% số phương tiện phải đăng kiểm trong toàn quốc.

Đối với việc đề nghị xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, UBTVQH cho rằng, trên thực tế cơ sở vật chất phục vụ công tác đăng kiểm như các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, trạm thử, phòng thí nghiệm... đã được xã hội hóa. Bộ GTVT hiện cũng đang thí điểm xã hội hóa đối với đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Vì vậy, việc xã hội hóa đăng kiểm phương tiện thủy nội địa sẽ được nghiên cứu, chế định trên cơ sở đánh giá thực hiện thí điểm xã hội hóa đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

UBTVQH cũng cho rằng, quy định việc tổ chức thực hiện đăng kiểm phương tiện nói chung đang được quy định tại các văn bản dưới luật, do đó, nên giữ nội dung về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa như trong Dự thảo Luật.

Một số ĐBQH đề nghị cần đánh giá các nguyên nhân dẫn đến kết quả đăng ký phương tiện còn thấp để có cơ sở sửa đổi các quy định liên quan cho phù hợp; đề nghị giao UBND cấp xã tổ chức việc đăng ký đối với phương tiện quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật GTĐTNĐ năm 2004.

Giải trình các nội dung này, UBTVQH cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký phương tiện còn thấp, trong đó có công tác tuyên truyền vận động chưa tốt, chưa làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký là không chỉ để quản lý phương tiện mà còn để xác lập quyền sở hữu tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho chính chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, do việc tổ chức đăng ký hiện nay ở địa phương chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện thực hiện đăng ký.

UBTVQH đề nghị sửa đổi khoản 8 Điều 25 của Luật GTĐTNĐ năm 2004 theo hướng giao UBND các cấp (trong đó có cấp xã) tổ chức đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện để tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký phương tiện, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ phương tiện đăng ký.

Một số ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa vừa được đăng kiểm xong. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đã được quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật GTĐTNĐ năm 2004. Theo đó, cơ quan đăng kiểm khi thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện phải tuân theo hệ thống quy phạm, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành; người đứng đầu cơ quan đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.Với quy định trên, phương tiện vừa được đăng kiểm xong mà xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì tùy theo mức độ, tổ chức, cá nhân đăng kiểm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật.

Thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc lồng ghép quy hoạch đường thủy nội địa với các quy hoạch ngành; phân định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong vấn đề này; bổ sung quy định phối hợp các cơ quan có liên quan trong việc thẩm định quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa các cấp để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh./.