Ghi nhận ý kiến bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu có chung kỳ vọng, bộ máy lãnh đạo Chính phủ, các “tư lệnh” ngành trong nhiệm kỳ tới sẽ kế thừa và phát huy những thành tích của nhiệm kỳ trước, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.
Thay đổi phương thức quản trị từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, kể từ kỳ họp này đến khi diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XV là thời điểm cho các vị trí lãnh đạo mới được Quốc hội phê chuẩn có thêm thời gian chứng tỏ năng lực và khả năng của mình.
“Kỳ họp Quốc hội khóa XV sẽ là “lá phiếu” đánh giá chuẩn xác nhất, đúng nhất khả năng thích ứng cũng như sự điều hành của các nhân sự. Ở mỗi vị trí đều có thời gian tập dượt. Việc này càng có ý nghĩa đối với cử tri cả nước nhằm đánh giá khả năng, năng lực và bản lĩnh của các vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ 5 năm tới”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này đã rất thành công trong việc cải cách môi trường kinh doanh như cắt giảm điều kiện kinh doanh, xóa bỏ nhiều danh mục kiểm tra chuyên ngành, tạo ra được môi trường thông thoáng hơn, tuy vậy vẫn cần sự đột phá cao hơn.
Đột phá này không thể chỉ dừng ở tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, mà phải có thay đổi căn bản phương thức quản trị từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ.
“Trước đây chúng ta thực hiện theo phương thức quản lý, tức là đối tượng quản lý khai báo và cơ quan quản lý xem xét, cho phép. Bây giờ phải thay đổi là không đưa ra những ràng buộc xem xét mà phải đưa điều kiện. Người quản lý lựa chọn tuân thủ những điều kiện nào thì tự tiến hành. Cơ quan nhà nước phải rà soát lại những điều kiện và nếu chỗ nào chưa thỏa đáng thì phải điều chỉnh”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến và nhấn mạnh: Nếu chúng ta không có những đột phá trong cải cách thể chế để tạo lập môi trường kinh doanh tốt thì chúng ta sẽ rất khó trong chuyện huy động được các nguồn lực.
Đại biểu Y Khút Niê, đoàn Đắk Lắk kỳ vọng bộ máy Chính phủ năng động, đổi mới thì các thành viên Chính phủ phải đồng lực, đồng lòng, đoàn kết thực hiện. Có như vậy các chính sách mới đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Trong các “tư lệnh” ngành nhiệm kỳ mới, tôi đặt kỳ vọng đổi mới ở Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Ngành này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực của các bộ, ngành khác. Tôi rất mong muốn “tư lệnh” ngành này có bước đi phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân”, đại biểu đoàn Đắk Lắk bày tỏ.
Nâng cao đạo đức, văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương thể hiện sự tin tưởng những “tư lệnh” ngành được Quốc hội phê chuẩn có thể kế thừa kinh nghiệm của các bộ trưởng tiền nhiệm và phát huy năng lực, trách nhiệm của mình trong quá trình tích lũy công tác trước đó, để phát huy tốt vai trò của tư lệnh ngành tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những giải pháp, quyết sách.
Đại biểu đoàn Hải Dương cũng kỳ vọng Chính phủ mới sẽ có những bước đột phá phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong đó, tập trung hơn vào nền tảng văn hóa xã hội của đất nước vì dường như thời gian qua đang không theo kịp với sự phát triển kinh tế. Vì vậy, xã hội vẫn xảy ra nhiều hiện tượng xuống cấp đạo đức, xuống cấp văn hóa và có những sự việc thực sự đáng báo động.
“Quốc hội đã có những cuộc giám sát tối cao, ví dụ như có cuộc giám sát về xâm hại trẻ em, tuy nhiên ngay trong lúc thực hiện giám sát cũng như sau đó, vẫn liên tiếp xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em, gây bức xúc trong dư luận và xã hội. Những sự việc như thế xảy ra rất là đáng buồn, cho thấy sự xuống cấp đạo đức của xã hội”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
“Trong nhiệm kỳ tới, điều tôi tha thiết mong chờ nhất là Chính phủ cũng như các “tư lệnh” ngành liên quan có những quyết sách quyết liệt hơn nữa, các giải pháp tổng thể đồng bộ hơn nữa, để làm sao nâng cao đạo đức, phát triển văn hóa một cách hài hòa với việc phát triển kinh tế”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt để sớm đi vào vận hành theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho thấy sự quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Điều này được thể hiện ngay trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Trước một nhiệm kỳ mới, các đại biểu đều kỳ vọng vào khí thế và khát vọng để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh, sánh vai với các cường quốc./.