Quốc hội khóa 1 của nước ta có 403 đại biểu Quốc hội, trong đó có 333 đại biểu được bầu bao gồm Việt Minh 120 đại biểu, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 đại biểu, Đảng Xã hội Việt Nam 24 đại biểu và không đảng phái là 143 đại biểu.

Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam quốc dân Đảng. Việc này thể hiện chủ trương hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.

ngo_tu_ha_wynl.jpg
Cụ Ngô Tử Hạ (đeo kính) đứng bên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ, cụ sinh năm 1882 tại vùng quê nghèo thuộc làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thời trẻ một mình lặn lội lên Hà Nội làm thuê, qua nhiều năm dành dụm, cụ mở được xưởng in và trở thành người nổi tiếng nhất Đông Dương trong lĩnh vực in ấn thời đó. 

Khi trúng cử, cụ đã 64 tuổi. Cụ Ngô Tử Hạ là nhân sĩ Thiên Chúa Giáo, là nhà tư sản dân tộc. Cụ được cử làm Chủ tịch kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 1 đồng thời được bầu làm Ủy viên Ban thường trực Quốc hội.

Cụ Ngô Tử Hạ từng là Giám đốc Tạp chí Đông Thanh, Hội viên Hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội, làm chủ nhiều nhà in. Nhà in của cụ đã in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thường được gọi là “đồng bạc cụ Hồ” và ủng hộ hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho cuộc Cách mạng tháng Tám.

Nhắc đến cụ Ngô Tử Hạ, không thể không nhắc đến hình ảnh một đại biểu Quốc hội kéo xe đi quyên góp và phân phối gạo trong “Ngày cứu đói”. Khi cụ Ngô Tử Hạ kéo xe qua các con phố, nhà nào cũng có người chờ sẵn trước nhà, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người quyên góp tiền.

Đi chưa hết một vòng hồ Hoàn Kiếm thì gạo đã đầy xe, Về đến Nhà hát Lớn, gặp Bác Hồ, cụ Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác xem xe gạo lẫn lộn đủ các loại, gạo trắng, gạo đỏ, gạo nếp, ngô, lại có cả mấy ống đỗ. Bác Hồ nói: “Đấy mới là gạo đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng đây là thứ gạo ngon nhất”.

Tham gia điều khiển phiên họp và đọc các văn bản trước Quốc hội với cụ Ngô Tử Hạ là 2 đại biểu ít tuổi nhất là ông Đào Thiện Thi và ông Nguyễn Đình Thi. 

Ông Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và nổi bật là sáng tác những bài hát phục vụ kịp thời, động viên nhân dân vùng lên giành chính quyền, tiêu biểu trong số đó là bài “Diệt phát xít”. Nguyễn Đình Thi là nhân vật tiêu biểu, là tấm gương sáng của lớp thanh niên thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Khi trúng cử đại biểu Quốc hội ông mới 22 tuổi./.