Cử tri đánh giá cao các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội và phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã rất thẳng thắn, đi vào đúng trọng tâm câu hỏi đặt ra.
Tuy nhiên, đối với vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đã khẳng định đây là án oan sai và các cơ quan tố tụng đã làm hết sức quyết liệt. Thế nhưng thực tế, sau 10 năm ngồi tù oan, lại thêm một năm rưỡi chờ đợi vậy mà đến nay việc giải quyết bồi thường cho ông Chấn vẫn chưa xong. Theo cử tri đây là quá chậm trễ.
Cử tri Nguyễn Thị Lê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhận xét: “Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và các ngành liên quan đã trả lời rõ ràng rồi. Nhưng với vụ oan sai đã hai năm rõ mười như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn thì cần phải minh oan sớm và cần có bồi thường theo đúng quy định. Bản thân ông Chấn và vợ con ông ấy cũng quá khổ rồi. Thủ tục giải quyết, minh oan quá rườm rà và lâu quá.”
Một số cử tri cho rằng phần giải trình thêm của các bộ trưởng, trưởng ngành đã góp phần làm rõ hơn những vấn đề đại biểu đặt ra. Cử tri hết sức đồng tình với kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, theo cử tri việc quy trách nhiệm rõ ràng như vậy mới đảm bảo công lý được thực thi nghiêm túc, giảm thiểu những bản án oan sai.
Cử tri Nguyễn Đình Xuyên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: “Bên Tòa án có thể nói là do Viện Kiểm sát, hoặc do Công an thế này thế nọ, đổ lỗi cho nhau vòng quanh, dân khổ cho nên quy trách nhiệm về một phía là đúng, chính xác. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói là bất kể oan sai ở đâu nhưng án đã tuyên thì Tòa án chịu trách nhiệm.”
Về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, cử tri đánh giá, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết trong thực hiện chương trình 135 như sự chồng chéo về chính sách, sự phối hợp hành động, chỉ đạo còn thiếu hiệu quả, dạy nghề cho đồng bào còn chưa thiết thực…
Cử tri cũng cho rằng việc sử dụng đồng vốn trong xóa đói giảm nghèo chưa thiết thực là lỗi của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương được giao xây dựng, thực hiện chương trình. Do đó cần quy rõ trách nhiệm để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sử dụng đồng vốn ngân sách, tiền của nhân dân để thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với các xã biên giới, các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Người dân mong rằng thời gian tới việc triển khai chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản, đặc biệt khó khăn thực sự hiệu quả, thiết thực.
Cử tri Đoàn Khả Đỉnh, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Sử dụng đồng vốn để xóa đói giảm nghèo mà dùng vào những lĩnh vực không hiệu quả thì rõ ràng là lỗi của người có trách nhiệm. Đào tạo cho họ những ngành nghề sát thực với cuộc sống của người dân hơn ví dụ nghề sửa chữa xe. Còn nhiều yếu kém trong vấn đề này, người dân còn rất vất vả, điều kiện sống của đồng bào các dân tộc của ta, nhất là những vùng sâu vùng xa còn khó khăn lắm.”
Cử tri cũng đánh giá cao Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức phiên chất vấn trực tuyến nối cầu với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, vừa gọn nhẹ vừa tiết kiệm, hiệu quả và mong muốn thời gian tới Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy hình thức họp trực tuyến này./.