Không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật bổ sung một chương về hộ kinh doanh.
Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
“Đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh” – ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn |
Dự thảo quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế (theo Niên giám thống kê năm 2018, khu vực kinh tế cá thể đóng góp 29,24% GDP cả nước) cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
”Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp” – ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Không nhất thiết phải đưa vào luật?
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần hết sức cân nhắc bởi Luật Doanh nghiệp chủ yếu điều chỉnh doanh nghiệp. Nếu Nghị định của Chính phủ quy định đầy đủ, chi tiết và tổ chức thực hiện tốt thì hộ kinh doanh vẫn phát triển.
“Cần đánh giá tác động kỹ vì chưa thấy yên tâm với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật” – bà Nga bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu thảo luật về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Ở góc độ khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi tại sao hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp? Ngoài vấn đề thuế phức tạp thì khả năng quản trị, quản lý tài chính, rồi thanh kiểm tra cũng khiến hộ kinh doanh không thích thành doanh nghiệp.
“Hộ kinh doanh ít người, mô hình vừa phải và khai thác lợi thế gia đình để kinh doanh nhỏ lẻ. Giờ đưa vào luật thì phải thực hiện đầy đủ báo cáo, kê khai hàng tháng thì họ không mong muốn. Hàng triệu hộ tồn tại và phát triển thế nào thì phải đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo tôi không vội” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh và bày tỏ quan điểm chưa đồng tình.
Khẳng định vấn đề thuế chỉ là một phần, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý lưu ý luật khuyến khích, tạo điều kiện thế nào cho hộ kinh doanh phát triển, bởi bản chất của luật ra đời là tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
“Dân giàu thì nước mạnh. Mấy triệu hộ này giàu mạnh lên thì tốt quá. Ta khoán thu với hộ kinh doanh mà khoán sát thì vẫn thu được thuế” – ông Trần Văn Tuý phân tích và cho rằng, nếu thấy chưa rõ, chưa khả thi thì không nên quy định trong luật này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS nhấn mạnh, quản lý hộ kinh doanh có nhiều cách chứ không phải đưa vào luật này để quản lý thuế chặt chẽ hơn. Quan trọng là khoán thuế có sát hay không, bởi có khi một người bán phở có doanh thu hơn một doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, ông đề nghị có cách quản lý “mềm” hơn để khuyến kích sản xuất kinh doanh.
“Liệu đưa hộ kinh doanh vào luật này có giải quyết được mong muốn tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hay lại sẽ gây khó khăn, cản trở?” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề và ủng hộ hướng sửa Nghị định của Chính phủ, bổ sung các quy định khuyến khích, ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật để hộ kinh doanh phát triển.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đây là vấn đề lớn vì liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ. Quan điểm là cái nào rõ, chín, đánh giá tác động được thì bổ sung, nếu không thì chỉ sửa những bất cập để tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp./.