Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 5.200.000 hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 32% GDP và tạo công ăn việc làm cho hơn 8.700.000 lao động. Đáng chú ý, mới chỉ có khoảng 3.500.000 hộ kinh doanh có mã số thuế. Mặc nhiên, gần 2 triệu hộ còn lại thuộc diện “chưa được quan sát” hay hiểu theo cách thông thường là kinh doanh tự do – chưa lọt vào “tầm ngắm” của ngành thuế.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang cho rằng, vấn đề ở đây không đơn thuần là khả năng thất thu thuế. "Chọn theo mô hình nào là quyền của doanh nghiệp theo luật kinh doanh nhưng nếu cứ giữ nguyên mô hình hộ gia đình kiểu quản trị gia đình như cũ thì có những cái bất lợi - khó có thể vươn lên cạnh tranh, khó huy động vốn, khó tiếp thu công nghệ cao, gần như dạng kinh tế không quan sát được. Nếu như không thể quan sát được thì ảnh hưởng rất lớn cho Nhà nước, cho Chính phủ trong điều tiết các chính sách phát triển doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung", ông Sang nêu quan điểm.

Với những lý do như chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang vừa nêu, Chính phủ đã và đang khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Khi hoạt động với tư cách này, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi phát triển đúng quy mô, thế mạnh - có thể tạo những thương hiệu mới và góp phần tăng thu Ngân sách...

kte_qdxp.jpg
Đánh giá lại quy mô nền kinh tế là việc làm cần thiết hiện nay. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện vì nhiều vấn đề bất cập. Một ví dụ dễ hiểu, theo Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, nếu chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp sẽ phải thuê kế toán thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính - kế toán. Mỗi năm, chi phí cho hoạt động này khoảng gần 100 triệu đồng, các hộ kinh doanh cá thể, chắc chắn không kham nổi. Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan quản lý nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ chính phủ giao - hỗ trợ sự chuyển đổi này. Yêu cầu này lại cũng không dễ hiện thực hóa bởi còn liên quan tới nhiều vấn đề - công đoạn khác nhau.

Một ví dụ đơn giản như vậy để thấy cần một điều tra cơ bản trong thành phần kinh tế hộ gia đình: từ quy mô, nguyện vọng, tính chất cho tới tình trạng công nghệ… mới có thể đánh giá được quá trình chuyển đổi sẽ tác động như thế nào tới hộ gia đình, tới các thành phần kinh tế khác, tới quản lý - điều hành của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, tới Chính phủ và toàn xã hội.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “trong toàn nền kinh tế, còn nhiều hợp phần kinh tế tương tự như hộ kinh doanh cá thể”.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 nhóm: thứ nhất là hoạt động kinh tế ngầm tức là hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và các trách nhiệm xã hội. Thứ 2 là những hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm hoặc những hoạt động hợp pháp nhưng chưa đăng ký hoạt động kinh doanh. Nhóm thứ 3 là nhóm hoạt động kinh tế phi chính thức, chưa được thu thập dữ liệu về kết quả sản xuất kinh doanh. Nhóm thứ 4 là hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình. Thứ 5 là hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê”, ông Lâm nói.

Rõ ràng, cùng với nhiều giải pháp vĩ mô khác, thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là cần thiết để đánh giá những đóng góp bất cập - hạn chế trong quá trình phát triển mô hình kinh tế này. Đáng chú ý, hoạt động kinh tế chưa được quan sát lẩn khuất trong tất cả các thành phần kinh tế, cho nên, việc thống kê - đánh giá lại quy mô toàn nền kinh tế là cần thiết. Từ kết quả đó, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu - ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước; vừa xác định được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Indonesia... đều thực hiện hình thức này. Cho tới nay, cũng chưa có nền kinh tế nào đo lường được một cách đầy đủ các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Việc Tổng cục thống kê Việt Nam đặt vấn đề thống kê - đánh giá lại quy mô nền kinh tế hay nói theo cách thông thường là điều tra - xác định lại quy mô GDP cũng là thực hiện theo thông lệ - với mong muốn khẳng định được một cách chuẩn xác hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Quan trọng là quá trình triển khai đánh giá - thống kê cần được thực hiện sao cho bài bản - cẩn trọng - với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ các cá nhân - cơ quan, đơn vị liên quan./.