Uỷ ban Tư pháp cho rằng cơ quan điều tra của VKSNDTC chưa chủ động thụ lý điều tra một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết có dấu hiệu bị nhục hình.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội, chiều 22/3, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện nên ngành Kiểm sát đã tạo được sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Hoàn thành nhiệm vụ chính trị với chất lượng cao. Bộ máy đổi mới, chất lượng cán bộ nâng lên đáng kể, cơ sở vật chất được tăng cường.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã làm tăng thêm niềm tin của Đảng, Quốc hội và nhân dân vào ngành Kiểm sát; đồng thời, tạo tiền đề vững chắc cho ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

nguyen_hoa_binh_skps.jpg
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình trình bày báo cáo nhiệm kỳ

Trong nhiệm kỳ, Viện trưởng VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp về nghiệp vụ, quản lý, điều hành, đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng thông tư, quy chế phối hợp nên kết quả các mặt công tác có nhiều tiến bộ, đều đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao.

Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, cơ quan điều tra của VKSND được tăng cường nhiều mặt, chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra được nâng lên.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố 150 vụ án, tăng 92,3%; đặc biệt, đã kiên quyết khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến làm oan người vô tội, một số vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp

Điển hình như vụ Ngô Văn Anh, Chánh Tòa kinh tế, TAND Tp. Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp, Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam; vụ Phạm Văn Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục thi hành án dân sự Tp. Hội An, Quảng Nam,...

Đã ban hành 283 kiến nghị các cơ quan tư pháp thực hiện những biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, góp phần tích cực xây dựng cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Tuy nhiên, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, số vụ việc được Cơ quan điều tra VKSNDTC khởi tố, điều tra vẫn chưa tương xứng với tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp theo phản ánh của dư luận cử tri; còn để nhiều vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, có vụ bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án yêu cầu điều tra lại.

Cơ quan này cũng chưa chủ động thụ lý điều tra một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết có dấu hiệu bị nhục hình, một số vụ làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra quyết định trái pháp luật để trục lợi.

Xử lý nghiêm minh các trọng án

Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, trong nhiệm kỳ qua đã đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm, phức tạp, được dư luận quan tâm; chủ động phối hợp làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan, sai hoặc có đơn khiếu nại kéo dài

VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế; tổ chức nhiều hội nghị nhằm quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Viện trưởng tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Viện kiểm sát cấp dưới đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo.

Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII

Kết quả cho thấy, việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.

VKS cũng chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cũng thẳng thắn thừa nhận còn một số hạn chế, thiếu sót, đó là: Trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt, một số trường hợp truy tố chưa chính xác, còn có vụ án tham nhũng, kinh tế thời hạn giải quyết kéo dài; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; để xảy ra một số trường hợp oan, sai trong quá trình giải quyết án hình sự;..

Ngoài ra, còn để xảy ra một số cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật, có cán bộ phải xử lý hình sự./.