Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều nay, tại Hội trường Thống nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.

unnamed_6__recm.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được gặp lại Ngài Chủ tịch và Ngài Tổng Thư ký IPU, hai người bạn thân thiết của Quốc hội Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tươi đẹp, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị chuyên đề IPU lần này; đồng thời đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ngài Chủ tịch và Ngài Tổng Thư ký đối với các hoạt động của Diễn đàn IPU trong những năm qua.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Ngài Chủ tịch về những thành công của Đại hội đồng IPU lần thứ 136 vừa được tổ chức tại thủ đô Dahka, Bangladesh. Chúc mừng Ngài Tổng Thư ký Martin Chungong đã được Đại hội đồng tín nhiệm bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký IPU nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 2017-2021.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ rất vinh hạnh được quay trở lại Việt Nam tham dự hội nghị chuyên đề về biến đổi khí hậu. Trước đó, khi mới nhậm chức Chủ tịch, Ngài cũng đã đến Thủ đô Hà Nội để tham dự Hội nghị IPU 135. Ngài Chủ tịch hy vọng trong 3 ngày làm việc tại hội nghị, các nghị viện, nghị sỹ Quốc hội sẽ trao đổi kinh nghiệm để người dân thấy rằng, họ không chỉ thể hiện tốt vai trò đề xuất mà còn thực hiện tốt việc triển khai để mang lại lợi ích cho người dân.

Hiện nay số lượng thành viên của IPU ngày một nhiều với 173 thành viên, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho rằng, khi số lượng thành viên gia tăng thì vai trò lãnh đạo không nên xuất phát từ Genever (trung tâm của IPU tại Thụy Sỹ) mà trong chính các thành viên phải thể hiện được điều đó, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt các vai trò này. Ngài Chủ tịch cũng mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng luôn cam kết ưu tiên phát triển phải bền vững, lồng ghép các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển bền vững vào các văn bản luật, chương trình, chiến lược phát triển đất nước.

Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ngôi nhà IPU, đặc biệt là phát huy vai trò thành viên Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2016-2019; đóng góp cho sự phát triển chung của IPU.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ hài lòng về vai trò, trách nhiệm của Quốc hội các nước đã có những đóng góp cho các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bền vững.

Một trong những kiến nghị của Ngài Chủ tịch đưa ra là mỗi khu vực chọn một Quốc hội thành viên nhằm đóng góp vai trò đầu mối trung tâm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Với những gì Việt Nam đang thực hiện cho thấy, Việt Nam là ứng viên mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.