Chiều 9/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 43, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các ý kiến tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời triển khai Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2016; đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Theo quy định tại Điều 43 của Luật tổ chức Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Phiên họp 43 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định về số lượng lãnh đạo Văn phòng và việc lập các phòng thuộc Văn phòng như Tờ trình là chưa hợp lý trong bối cảnh tinh giảm biên chế và trên cơ sở chức năng nhiệm vụ.
Theo Tờ trình, Văn phòng Đoàn đại biểu có Chánh Văn phòng, 1 Phó Chánh Văn phòng, riêng Văn phòng Đoàn Hà Nội và Đoàn thành phố Hồ Chí Minh có không quá 2 Phó Chánh Văn phòng. Trong Văn phòng có 2 phòng chuyên môn là Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.
Biên chế của Văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức của địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết, số lượng biên chế được quy định trên cơ sở Nghị quyết 416 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức trần tương ứng với số lượng đại biểu. Theo đó, Đoàn dưới 10 đại biểu có biên chế không quá 8, Đoàn có từ 10 đến 20 đại biểu thì không quá 10 và Đoàn có trên 20 đại biểu không quá 12 người.
Giải trình quy định lập 2 phòng chuyên môn, bà Nương nói: “Qua các hội thảo, hội nghị ở các vùng miền cho thấy đây là nguyện vọng của địa phương, việc giảm hoàn toàn là rất khó. Hiện tỉnh nhiều nhất có 8 phòng, tỉnh ít nhất cũng 3 phòng. Các tỉnh muốn giữ lại phòng để kế thừa và phát huy cái cũ rồi từ đó giảm dần”.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, biên chế phải thấp chứ không thể nhiều hơn đại biểu Quốc hội.
“Văn phòng có 1 Chánh và 1 Phó Chánh, nơi nào đông đại biểu có 2 Phó phụ trách tổng hợp và hành chính quản trị vật chất tiền bạc, thêm một vài chuyên viên nữa. Số lượng 12 là cũng đông đấy. Ông Phó phải làm chứ đâu phải chỉ huy. 2-3 ông chỉ huy 1 chuyên viên là không được. Quy định rõ luôn nơi nào có 2 đại biểu chuyên trách thì có hai Phó chánh Văn phòng, còn lại là 1 phó”, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Nhất quyết không có lập phòng gì cả. Chỉ chuyên viên thôi, người giỏi thì lên chuyên viên chính. Dứt khoát không mở ra rộng rãi, quy định chia phòng và thêm hai ba phó phòng thì chết. Riêng người làm kế toán và thủ quỹ nhất thiết phải có và riêng biệt nhưng họ có thể kiêm nhiệm công việc khác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh thêm.
Qua ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – người điều hành phiên làm việc trong phần kết luận nhấn mạnh: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định tổ chức ở địa phương mỗi Đoàn đại biểu có Văn phòng riêng. Cơ cấu có Chánh và Phó Văn phòng. Riêng 4 đoàn Hà Nội, TPHCM, Thanh Hoá, Nghệ An có số đại biểu đông có 2 đại biểu chuyên trách nên bố trí 2 Phó chánh Văn phòng.
Không tổ chức phòng trong Văn phòng Đoàn đại biểu mà theo nhóm chuyên viên phục vụ mảng công tác, do Chánh và Phó chánh Văn phòng điều hành linh hoạt.
Số lượng biên chế theo 3 mức không quá 8, không quá 10, không quá 12 tuỳ theo số lượng đại biểu các đoàn và Biên chế đều do Trung ương quyết định và giao cho địa phương nên Văn phòng Đoàn đại biểu trực thuộc Văn phòng Quốc hội.
Về kinh phí, theo luật, UBTVQH phân bổ cho Đoàn. Nghị quyết của Thường vụ giao Văn phòng Quốc hội phân bổ cho Văn phòng Đoàn đại biểu, còn định mức theo quy định./.