Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua 12 Luật, 12 Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.

Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các mặt, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án.

chu_tich_qh_ydxo.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 5 dự án Luật, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và qua thực tiễn hoạt động, các vị đại biểu Quốc hội đã sôi nổi phát biểu nhiều ý kiến, tranh luận, phân tích toàn diện, sâu sắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, năng động của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua với những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

“Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong một số ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nội tại và khách quan, đòi hỏi phải có nhiều cố gắng, nỗ lực thì mới có thể hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm, có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2017” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và đặc biệt lưu ý Chính phủ cần phải tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ luật tài chính trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.

Liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để đẩy nhanh tốc độ triển khai Dự án; đồng thời nhấn mạnh việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, Quốc hội đã đưa vào chương trình, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh giải quyết vấn đề nợ xấu.

Trên cơ sở xem xét những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 và Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”; yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng chương trình, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”, trong đó đặt ra 8 nhóm giải pháp tổng thể đối với Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm và cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này:

Quốc hội đã dành 3 ngày (nhiều hơn 0,5 ngày so với các kỳ họp trước đây) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề: nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; kế hoạch và đầu tư.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri và dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, cải tiến quan trọng, Quốc hội đã bố trí chương trình làm việc hợp lý hơn, dành thời gian thỏa đáng cho nội dung thảo luận tại hội trường về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

“Không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể, chất lượng phát biểu cũng được nâng cao, các đại biểu Quốc hội không chỉ tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận với các đại biểu khác về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Các Bộ trưởng trực tiếp giải trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo… đã tạo ra không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các Luật, Nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua 12 Luật, 12 Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành một số hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm tăng cường và mở rộng các hoạt động song phương với nghị viện các nước, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, thông qua đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước nói riêng và Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước trên thế giới nói chung.

Ngày hôm nay bế mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, cũng là kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt cho các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các nhà báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất và mong các nhà báo tiếp tục quan tâm, đồng hành với cử tri và hoạt động của Quốc hội/.