Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định điều này khi trả lời chất vấn tại phiên họp 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/8.
Kiên quyết xử lý đơn vị chây ỳ
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội dẫn mốc thời gian 31/12/2019 tất cả các trạm trên cả nước phải thu phí không dừng, áp dụng cho với 44 trạm/620 làn. Tuy nhiên, tính đến nay, mới triển khai 29 trạm/161 làn.
“Quyết tâm là như thế nhưng tôi lo lắng cho Bộ trưởng” – ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ và đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm khả năng thực hiện theo chỉ đạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện Nghị quyết của UBTVQH về đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí không dừng, Thủ tướng đã chỉ đạo đến 31/12/2019, tất cả các trạm phải thực hiện thu phí không dừng. Cách đây 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu khẩn trương thực hiện.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho rằng, tiến độ còn phụ thuộc vào trách nhiệm phối hợp của các chủ đầu tư và Bộ sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định đến hạn sẽ kiên quyết dừng thu phí đối với những dự án không thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng và đơn vị nào chây ỳ thì phải chấp nhận hậu quả kinh tế.
Để đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong cuộc làm việc chiều 14/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai, xác định rõ mốc thời gian các công việc phải hoàn thành; đề xuất biện pháp xử lý cũng như đưa vào diện giám sát đặc biệt đối với một số nhà đầu tư cố tình chậm trễ.
Ngoài ra, Bộ cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai; có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về trường hợp của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để có sự phối hợp với Bộ trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đơn vị mà theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là “trường hợp quan ngại” khi có hơn 200 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ thực hiện chậm.
Góp ý thêm sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Giàu nói: “Quyết tâm như thế là tốt nhưng chúng ta cũng phải lường hết vấn đề khi đến thời hạn mà các doanh nghiệp không chấp hành. Dừng thu phí hay tiếp tục cho thu là vấn đề rất lớn”.
“Xây đi xây lại, xây hoài không xong”
Cũng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đặt câu hỏi về giải pháp đảm bảo tiến độ của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sắp tới như thế nào vì hiện nay ngoài chi vốn ngân sách bổ sung thì nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vay vốn ở ngân hàng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng 14/8 |
Đối với đoạn đường từ Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa qua Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ để hỗ trợ cho nhà đầu tư, và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án. Tiến độ hiện nay, việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, và cách đây mấy hôm, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Còn lại là của các cơ quan tín dụng, thì vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận.
“Với sự chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng hiện nay đã phối kết hợp để bổ sung vốn cho dự án. Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2.186 tỷ của nhà nước cùng với 3.000 tỷ của nhà đầu tư bỏ ra, thì dự án đến cuối 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận” – ông Nguyễn Văn Thể nói.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quốc hội bố trí 5.100 tỷ đồng, đến thời điểm này Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020 sẽ khởi công cây cầu này. Riêng 2 đường vào cầu, thì từ nay đến tháng 12/2019, Bộ GTVT sẽ khởi công.
Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thời điểm này chưa mở thầu vì cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỷ đồn thì phương án tài chính mới khả thi. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung cho dự án này và khi có quyết định chính thức sẽ mở thầu.
“Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long bàn giao mặt bằng cho các đơn vị này sử dụng 932 tỷ đồng để GPMB, riêng nhà đầu tư chúng tôi sẽ thu xếp vào đầu năm 2020, để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cố gắng nhanh nhất, sớm nhât để có thể thông tuyến xuống được Cần Thơ” – ông Nguyễn Văn Thể trả lời.
Trước khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại vẫn băn khoăn vì thời gian còn lại không nhiều trong khi công việc còn bề bộn.
“Tôi đọc câu châm biếm trên báo mà đau lòng: Ví dầu cao tốc miền Tây/Xây đi xây lại, xây hoài không xong” – ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ và mong rằng quyết tâm thực hiện dự án sẽ triển khai kịp thời./.
“Kiên quyết không đầu tư các dự án nâng cấp đường độc đạo theo BOT”