Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (29/10), các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật công chứng (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật công chứng sửa đổi, song các đại biểu vẫn còn băn khoăn về một số nội dung như: phạm vi công chứng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được yêu cầu dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên. Có ý kiến đề nghị, cần mở rộng hơn phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng theo hướng cho phép các tổ chức này cùng thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký trong những trường hợp pháp luật có yêu cầu như UBND cấp xã, phòng tư pháp cấp huyện đang thực hiện hiện nay.

111-kiem-dich.jpg

Hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật cần quản lý chặt chẽ (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Có ý kiến còn băn khoăn về việc lập quy hoạch và xác định số lượng tổ chức hành nghề công chứng tại mỗi địa phương bởi lẽ hiện nay, trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước còn chưa đồng đều.

Cũng trong buổi sáng, thảo luận về dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thu gom và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trách nhiệm của nhà sản xuất và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng mức chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ngân sách Nhà nước địa phương cho việc tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vậy lấy từ nguồn nào; làm rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện về xử lý, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ.

Về quy định chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy từ ngân sách địa phương, có ý kiến cho rằng, quy định này là không hợp lý, cần yêu cầu các doanh nghiệp, nhà sản xuất có trách nhiệm đóng góp.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đoàn Thái Bình đề nghị bổ sung thêm quy định yêu cầu các nhà sản xuất thuốc, kể cả các nhà sản xuất sang chai, đóng gói đại lý cấp 1 phải có trách nhiệm trích một khoản kinh phí xây các bể thu gom xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật để tăng thêm trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong công tác thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng”.

Về phạm vi và trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhiều vị đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum nêu ý kiến: “Việc bảo vệ thực vật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cá nhân. Những cá nhân này sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nếu thiếu trách nhiệm thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tôi đề nghị bổ sung hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào phạm vi điều chỉnh của Luật”.           

Về kinh phí chống dịch, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời quy định rõ ngân sách nhà nước được sử dụng cho hoạt động nào trong phòng, chống dịch, hoạt động nào thì chủ thực vật phải chịu trách nhiệm.

Về các loại động, thực vật “lạ” đang tồn tại và xâm hại môi trường, phá hoại mùa màng tại nước ta, đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội nêu ý kiến cần gắn trách nhiệm của hải quan với việc nhập các loại này. Bà An nói: “Chúng ta không thể trách người dân khi nuôi, thu mua ốc bươu vàng, mà trách các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, để các loại động, thực vật xâm hại thâm nhập vào nước ta”./.