Cấm dạy thêm, học thêm?

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đại biểu Nguyễn Huy Thái, đoàn Bạc Liêu đặt vấn đề dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, song thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm.

“Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về vấn đề này?”, đại biểu đoàn Bạc Liêu nêu chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy, học thêm là việc ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Gần đây nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến.

“Tôi khẳng định, bình thường đã cần ngăn, bây giờ càng phải ngăn, vì học trực tuyến học sinh căng thẳng hơn. Việc thêm giờ, thêm nội dung là việc cần ngăn chặn. Trong Thông tư 09 ngày 30/3 về quy định dạy và học trực tuyến, văn bản đó đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Nếu trường thấy học sinh học quá giờ quy định... yêu cầu Sở GD-ĐT cần thanh tra, kiểm tra xem có hiện tượng này không, có bố trí quá giờ hay không. Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, có đầy đủ căn cứ và quan điểm là tích cực ngăn chặn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Tranh luận sau câu trả lời của Bộ trưởng Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ông tán thành việc dạy thêm, học thêm trong điều kiện trực tuyến thì cần cấm. Tuy nhiên, về việc cấm dạy thêm, học thêm trong điều kiện bình thường thì cần phải xem xét lại. Vấn đề này thêm chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên.

“Thể hiện ở chỗ, từ trước đến nay chúng ta tiếp cận và coi việc dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi đưa lên báo chí. Tôi cho rằng cách ứng xử đối với các nhà giáo như thế là không phù hợp”, ông Long nói.

Theo ông Long, không nên “cái gì không quản được thì cấm”, phải đánh giá việc dạy thêm có ý nghĩa như thế nào trong nhu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh.

“Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng là nhờ học thêm”, ông nói và cho biết, cử tri cũng đặt ra câu hỏi “tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục lại không được dạy thêm”.

Giáo viên dạy thêm vì đời sống quá thấp?

Đại biểu đoàn Đồng Nai Nguyễn Công Long cũng cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ đời sống của các giáo viên quá thấp: “Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm là cách mưu sinh, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, của những người không đang làm việc trong cơ sở giáo dục, việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu thì không thể cấm. 

“Còn giáo viên trực tiếp dạy học sinh của mình mà bớt các nội dung chính cần dạy, để dạy thêm thì việc đó thuộc điều lệ đạo đức nhà giáo, cái này bị cấm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục tranh luận về chủ đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: “Từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi”.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, có bốn vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm. Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa: “Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết”.

Thứ hai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.

Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thì “cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu”.

Thứ tư, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần thái độ, dư luận xã hội: “Những ý đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang triển khai. Việc đổi mới giảng dạy một số môn đang theo tinh thần tự học, đổi mới sáng tạo. Việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm”.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng khẳng định, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng nhằm hạn chế việc dạy thêm: “Thực tế phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học ứng thí hơn là chú ý đến việc cho em mình học cái để phát triển bản thân của các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cnêu quan điểm./.