Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình cho biết, thời gian qua, tại Quảng Bình, giá đầu vào ngành Nông nghiệp tăng khá cao, trong đó giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng vật nuôi đều cao, khiến người nông dân hết sức vất vả. Trong khi đó, sản phẩm làm ra lại lặp lại điệp khúc được mùa mất giá, do đó, người dân rất khó “sinh lời” trên mảnh đất nông nghiệp tại địa phương.
Nói về những giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong phiên chất vấn nhằm bình ổn giá đầu vào của sản phẩm nông nghiệp, đại biểu cho rằng, còn liên quan đến nhiều ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng cũng đã đưa ra một số giải pháp, tuy nhiên, cần quyết liệt hơn nữa.
Với tỉnh Quảng Bình, có đầy đủ các ngành như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, ngư dân Quảng Bình thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong đánh bắt thủy sản khi giá xăng dầu tăng cao. Tại phiên chất vấn, đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đã đặt ra câu hỏi về vấn đề này, song đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, Bộ trưởng đã có định hướng để giải quyết khó khăn, nhưng mới chỉ ở mức cơ bản, chưa thực sự đáp ứng được những mong mỏi của đại biểu, cử tri địa phương.
“Trong thời gian tới, hy vọng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các giải pháp đồng bộ hơn nữa, Nhà nước xem xét trợ giá cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm. Với ngư nghiệp, khi được tạo điều kiện bằng cơ chế rõ ràng, thì ngư dân mới có thể yên tâm ra khơi bám biển”, đại biểu Trần Quang Minh bày tỏ.
Cũng sau phần chất vấn, đại biểu Hồ Thị Minh, đoàn Quảng Trị cho rằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nắm khá chắc các vấn đề nóng mà ngành đang gặp phải, phần trả lời chất vấn giải đáp được những băn khoăn lo ngại của đại biểu đưa ra.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực rất rộng, để nông nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, ngành cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là từ sản xuất, chế biến đến khâu đưa ra thị trường, cần giải pháp đồng bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và doanh nghiệp. Đại biểu hy vọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ tiếp tục giải quyết được các vấn đề bất cập của ngành cũng như tìm được hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Trị vẫn băn khoăn về “điệp khúc” được mùa mất giá diễn ra từ nhiều năm nay. Tìm lời giải cho đầu ra của nông sản, đại biểu cho rằng, cần làm sao để sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác. Dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rằng “người Việt Nam không muốn dùng hàng Việt thì làm sao vươn ra bên ngoài’, đại biểu cho rằng, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới trong quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, những chủ đề, lĩnh vực mà Quốc hội đưa ra chất vấn lần này đều là những vấn đề rất quan trọng được cử tri quan tâm. Đối với Việt Nam, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế cho nên lĩnh vực nông nghiệp được đưa lên chất vấn đầu tiên là rất hợp lý.
Đại biểu đoàn Nam Định cho rằng, không phải chỉ trong buổi chất vấn này mới biết được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và sự quan tâm, quán xuyến của Bộ trưởng Lê Minh hoan đối với lĩnh vực nông nghiệp như nào. Trước đó, có rất nhiều vấn đề mà Bộ trưởng trả lời đã được thông tin trên báo chí. Ví dụ như việc giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp hay vấn đề sử dụng phân hữu cơ, vô cơ như thế nào cũng đã có rất nhiều luồng ý kiến và các nhà khoa học tham gia thông tin trên báo chí.
Bên cạnh đó, vấn đề sản phẩm của nông nghiệp cũng là một việc các đại biểu rất quan tâm bởi trong chính sách của chúng ta luôn luôn lấy con người làm trung tâm nên sức khỏe của con người nói chung và sức khỏe của nhân dân nói riêng đều được Đảng quan tâm, trong đó việc đưa ra một sản phẩm nông nghiệp sạch để cho nhân dân được hưởng thụ cũng như giúp cho việc tiêu thụ tốt hơn thì đã được quan tâm.
“Việc bao giờ người dân được hưởng sản phẩm sạch đã được đại biểu đưa ra và Bộ trưởng trả lời. Tuy nhiên, như Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói, Bộ trưởng cũng phải có những quan điểm cụ thể mang tính chất chiến lược dài hơi hơn. Tôi thấy rằng Bộ trưởng trả lời như vậy, trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo chiến lược đường lối là của Bộ trưởng nhưng việc thực thi là địa phương”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu ý kiến./.