Chiều nay (7/6), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận trách nhiệm về câu chuyện “chuẩn hoá nông sản”.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông) nêu vấn đề, sản xuất nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế trong những lúc khó khăn nhất. Mặc dù ngành nông nghiệp phát triển nhưng thực tế cuộc sống của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, điệp khúc được mùa mất giá, giải cứu nông nghiệp chưa đến hồi kết, trong khi giá đầu vào tăng cao, giải pháp căn cơ nào cho vấn đề này? 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tư lệnh ngành nông nghiệp cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã năng động, linh hoạt góp phần vào kết quả xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh rất khó khăn. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, câu chuyện được mùa mất giá là “lời nguyền” nhiều năm nay.

“Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, khi nông sản dư thừa cần trữ lại để chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường. Thứ hai, cần chuẩn hoá nông sản của chúng ta để thị trường được thông suốt, giảm áp lực cho thị trường. Tiêu chuẩn và quy chuẩn là cách để chuẩn hoá nông sản. Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm về vấn đề này khi thời gian qua chúng ta vẫn còn dễ dãi trong việc chuẩn hoá nông sản. Chúng ta cần tổ chức lại sản xuất một cách bài bàn hơn, để hạn chế rủi ro trong vấn đề xuất khẩu nông sản; cần thông tin minh bạch về số lượng, mùa vụ và phân bổ phù hợp đối với từng thị trường, trong đó có thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu”, ông Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cũng khẳng định, hướng đi chuẩn hóa nông sản để đáp ứng từng thị trường, đồng thời khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam: “Chúng ta phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó, thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Thương hiệu của doanh nghiệp, của hợp tác xã, của người nông dân phải mất nhiều thời gian để thiết lập, để người tiêu dùng quen và ấn tượng tốt với sản phẩm. Thương hiệu không đơn giản chỉ là 1 slogan mà nó là giá trị vô hình mà người tiêu dùng có được qua quá trình sử dụng”.

Về giải tỏa những “điểm nghẽn” của nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng nêu vấn đề “được mùa, mất giá” hoặc thời gian còn loay hoay trong tìm kiếm cây trồng, vật nuôi mang tính thị trường. Đây không phải vấn đề mới, đã được chất vấn rất nhiều lần. Đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và tới bao giờ mới khắc phục được? Trong khi đó, Nguyễn Vân Thi (đoàn Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ nông sản đã qua chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế, các ngành nông lâm thủy sản có rất nhiều ngành gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối về chế biến. Đó là ngành thủy sản, hai là ngành chế biến gỗ và ngành cao su. Trong khi, khó nhất trong chế biến là ngành trái cây. 

“Trong thời gian vừa qua cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực chế biến thành công và Thủ tướng Chính phủ cũng mới vừa khởi động một nhà máy chế biến Sơn La, Gia Lai và một số địa phương khác. Các doanh nghiệp tham gia vào chế biến đánh giá rất cao, tính liên kết của nông dân các vùng nguyên liệu đó. Bởi vì để đầu tư vào lĩnh vực chế biến nếu chất lượng nông sản, chất lượng nguyên liệu không tốt, không đảm bảo chất lượng thì sản phẩm chế biến cũng không đảm bảo chất lượng”, ông Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, khi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, một trong những quan tâm nhất của doanh nghiệp là chất lượng nguyên liệu nhiên liệu không ổn định, thậm chí đi theo mùa chỉ có một mùa một nhà máy mở cửa mà chỉ một mùa trong một giai đoạn ngắn hạn.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc là việc rất nên làm nhưng không phải đơn giản. Có những “hợp đồng” mà nông dân đã can kết với doanh nghiệp rồi nhưng vì một lý do nào đó, thị trường bên ngoài tăng giá, bà con nông dân lại đưa nông sản ra ngoài nhà máy chế biến. Thực trạng này đòi hỏi địa phương phải là đơn vị sâu sát, cùng ngồi với hai bên: một là nông dân thông qua hợp tác xã, một bên là doanh nghiệp.

Điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, với trách nhiệm quản lý Nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, nếu Bộ trưởng trả lời rằng: “Để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu?”.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, cụ thể thực trạng đang thế nào, người nông dân trông chờ điều gì, chủ trương, Nghị quyết đã có, bây giờ Bộ trưởng có định hướng là gì và làm như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của đại biểu Trần Thị Hoa Ry bàn về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào? “Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.