Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra trong phiên chất vấn diễn ra cuối tuần qua. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nêu ra nhiều biện pháp đáng chú ý để đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Một trong những biện pháp hàng đầu là hợp tác với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100% thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google trước kia chấp hành khoảng 40-50% yêu cầu nhưng hiện nay đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.
“Ví dụ như gỡ game xấu độc, đánh bạc, tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây lên đến 92%. Cách đây 2 ngày, chính thức Facebook đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Biện pháp thứ 2 chính là việc thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan chức năng khác như Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội nhằm xử lý các đối tượng cố tình tung các nội dung "xấu, độc" lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền…
"Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội thì không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin" - ông Hùng nói và nhấn mạnh cần phải nâng cao đạo đức, giáo dục trên không gian mạng. Bộ cũng đã kiến nghị làm việc với Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng số vào cấp học phổ thông.
Một biện pháp khác được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập là xây dựng những “bộ lọc thông tin xấu độc” ở 2 cấp độ: Một là từ công ty cung cấp nền tảng và hai là từ chính quyền.
Theo Bộ trưởng, các mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo, Lotus, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo ngay từ ngày đầu tiên là phải có công cụ tự động nhận dạng những thông tin xấu, độc và tự lọc, chặn luôn. Ngoài ra, Bộ cũng đang đấu tranh mạnh mẽ để buộc các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam, trong đó có việc đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Liên quan đến “bộ lọc” từ chính quyền, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn quản được thì phải nhìn thấy được, không nhìn thấy được, không đo được thì không quản được: “Hiện nay chúng ta đã đầu tư xây dựng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Chúng ta có công cụ, có thể chia sẻ được cho các tỉnh, có thể chia sẻ được cho cán bộ, bây giờ ai là người định nghĩa đó là rác, không thể một mình Bộ Thông tin và Truyền thông được, Bộ Văn hóa phải dùng công cụ đó để rà soát, phát hiện đây là rác. Bộ Công Thương cũng phải nói đây hàng hóa quảng cáo rác. Chính quyền địa phương cũng phải thấy đây là rác đối với chính quyền. Khi chúng ta dùng công cụ đó phát hiện nó là rác, chúng ta yêu cầu trực tiếp với nhà mạng”./.