Ngày 10/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, tỉnh Quảng Ngãi; việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Rà soát hoàn tất thủ tục đầu tư theo đúng quy định
Về việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Phương bày tỏ quan điểm thống nhất như tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày.
Tuy nhiên theo ông Phương, có 5 dự án tăng tổng mức đầu tư so với quyết định của Thủ tướng và 2 dự án chưa có trong danh mục xây dựng mới thì cần rà soát để hoàn tất thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, số tiền mà chúng ta thuê trụ sở ngoại giao tại nước ngoài trong vài năm có thể xây được trụ sở mới. Do đó cần bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu lệ phí lãnh sự.
Trong thời gian qua Bộ Ngoại giao thu được 151 triệu USD, nhưng trước đó đã ứng trước để xây dựng là 22 triệu USD. Như vậy còn 129 triệu USD để làm tiếp các chương trình kèm theo.
Đồng tình với việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao, tuy nhiên Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị Chính phủ phải có tổng quan chung về tình hình đầu tư trụ sở các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.
Sau khi thống nhất, Ủy ban thường vụ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự án Đường Tịnh Phong-cảng Dung Quất 2: Cơ chế không hợp lý
Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, Quảng Ngãi là tỉnh có 6 huyện nghèo, nguồn thu ngân sách địa phương hàng năm thấp, nên bố trí ngân sách địa phương vượt quá khả năng của địa phương nên cần sự hỗ trợ của Trung ương trong vốn đầu tư Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nếu thông qua sẽ vướng với Luật ngân sách Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Cơ chế tài chính của dự án là không hợp lý khi dùng nguồn tăng thu của dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất để chi cho công trình của 1 tỉnh. Do đó không thể quyết theo cơ chế này.
Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng: việc cần nguồn vốn để xây dựng đường là cần thiết nhưng vì theo đúng nguyên tắc chung thì phải tuân theo Luật Ngân sách nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu chúng ta thông qua sẽ phá vỡ cơ chế. Về sau các địa phương sau này cũng xin Trung ương thì dùng hết ngân sách làm sao còn ngân sách để phân bổ cho các địa phương còn lại.
"Bộ trưởng Bộ Tài chính chú ý, phải tham mưu cho Chính phủ theo đúng Luật, chứ đừng để trình ra Thường vụ Quốc hội xin ý kiến thế này lại không hay"-Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tổng hợp tờ trình về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2014 trong đó có Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, tỉnh Quảng Ngãi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.