Sau 3 ngày làm việc, chiều 17/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 10.

Trước phiên bế mạc, khi cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với số tổng thu, tổng chi và bội chi ngân sách Nhà nước như báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán nội dung này.

phienhopthu10_15_58_28_915_junh.jpg
Bế mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Đảng Cộng sản)
Các chỉ tiêu cụ thể về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 gồm: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1.291.000 tỷ đồng bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1.502.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước là hơn 260.000 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP.

Trên cơ sở tính toán lại các số liệu sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ đã thống nhất trình Quốc hội về số bội chi ngân sách và nợ công. Về nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP. Nợ công là 61,8% GDP trong khi công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác; 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.

“Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và hơn nữa là đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, vấn đề cho vay, cho ứng trước ngân sách Nhà nước, ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước hay là cho vay tồn ngân kho bạc thì cũng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, để làm sao cho tài chính quốc gia an toàn, lành mạnh” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 17/5, khi cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3 đã được gửi để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Theo đó, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị, bổ sung dự án Luật về Hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Đặc biệt, các ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về việc rút 4 dự án trong số 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến (chiếm tỷ lệ đến 50%).

Theo các kiến nghị, việc có tới một nửa số dự án luật dự kiến trình Quốc hội bị rút lại cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn chưa nghiêm túc, nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ trước khi trình Quốc hội quyết định bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp, tránh tình trạng bị áp lực về thời gian dẫn đến không bảo đảm chất lượng nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định. Về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo Quốc hội về vấn đề này./.